Những điểm mới trong dự án Luật PCCC và CNCH

14/6/2024, 07:40:42
In trang

Việc ban hành Luật PCCC và CNCH là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về công tác PCCC và CNCH phục vụ đổi mới, phát triển đất nước và cuộc sống bình yên của người dân. Quy định nhiệm vụ CNCH trong văn bản luật là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiếp pháp năm 2013. Trên thực tế, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về CNCH, là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác này. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật PCCC; hoạt động CNCH mới được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC nên chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong quy định của hệ thống pháp luật, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và không bảo đảm cơ sở pháp lý để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ.

Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì các nước đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC và CNCH chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm. Bên cạnh đó, tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra các tình huống, sự cố. Do đó dự án Luật PCCC và CNCH điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển của xã hội nói chung và Việt Nam nói riêng.

1. Nội dung sửa đổi điều chỉnh luật ( gồm 07 nội dung):

- Do Luật hiện hành chỉ quy định về PCCC nên không đủ cơ sở pháp lý để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện công tác CNCH sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống thường ngày của người dân nên Dự án Luật thêm cụm “cứu nạn, cứu hộ” thành tên gọi là Luật PCCC và CNCH. Nội dung Dự án Luật điều chỉnh phạm vi áp dụng, bổ sung quy định CNCH với những quy định cụ thể về PCCC và CNCH; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH.

- Thay đổi tên gọi “Ngày toàn dân PCCC” thành “Ngày toàn dân PCCC và CNCH” phù hợp với nội dung của Dự án Luật PCCC và CNCH.

- Điều chỉnh thủ tục hành chính từ thẩm duyệt thành thẩm định để đồng bộ, phù hợp với pháp luật chuyên ngành về xây dựng.

- Phân rõ thẩm quyền thực hiện công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm (Luật PCCC hiện hành chỉ giao Bộ Công an thực hiện).

- Điều chỉnh quy định cụ thể khái niệm hoạt động PCCC và CNCH tình nguyện.

- Điều chỉnh quy định về bảo hiểm cháy, nổ; cơ sở phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý.

- Tăng cường thực hiện xã hội công tác PCCC như huấn luyện PCCC và CNCH kiểm định, đánh giá an toàn về PCCC.

2. Nội dung bổ sung của luật PCCC và CNCH mới (13 nội dung)

- Bổ sung khái niệm, thuật ngữ CNCH; lực lượng PCCC và CNCH cơ sở, chuyên ngành; thẩm tra thiết kế về PCCC; thẩm định thiết kế về PCCC; cơ sở dữ liệu về PCCC và CNCH; cơ quan quản lý chuyên ngành để phù hợp với các nội dung được quy định trong dự thảo Luật.

- Bổ sung chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH như huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động PCCC và CNCH. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH; đầu tư, xây dựng các trung tâm chỉ huy PCCC và CNCH; bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về PCCC và CNCH; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động PCCC và CNCH; đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động PCCC và CNCH; phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH tại cộng đồng.

- Bổ sung nguyên tắc CNCH; trách nhiệm CNCH; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về CNCH và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH.

- Bổ sung quy định giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

- Bổ sung hành vi nghiêm cấm như làm mất tác dụng của đường thoát nạn, ngăn cháy lan; xây dựng công trình, chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về PCCC; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

- Bổ sung trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi công công trình, đóng mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC

- Bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình.

- Bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh.

- Bổ sung quy định về CNCH trong dự thảo Luật, cụ thể, quy định 01 chương về Phạm vi hoạt động CNCH của lực lượng PCCC và CNCH; tổ chức CNCH; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy CNCH; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia CNCH; xây dựng, thực tập phương án CNCH của cơ quan Công an; trách nhiệm CNCH; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia CNCH.

- Bổ sung quy định cụ thể về bồi dưỡng, chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH (Luật hiện hành chưa có quy định cho hoạt động CNCH).

- Bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, CNCH.

- Bổ sung quy định hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC và CNCH; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và CNCH; kiểm tra PCCC.

- Bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp đối với công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng mà không đảm bảo quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Việc ban hành Luật PCCC và CNCH sẽ khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan nêu trên.

 

PCCC