Một số khuyến cáo phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa hanh khô

25/12/2023, 12:11:57
In trang

Trong điều kiện thời tiết hanh khô, dễ xảy ra cháy rừng, Công an tỉnh khuyến cáo các đơn vị, địa phương và người dân chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR)

Hiện tại  hình thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, gió giật mạnh dự báo còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số các sự cố cháy rừng, cháy rẫy nguyên nhân chủ yếu là do người dân xử lý thực bì, đốt rác gây nên. 

Để chủ động trong công tác PCCCR, Công an tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý rừng, chủ rừng triển khai các biện pháp về PCCCR. 

Trong đó, các cơ quan quản lý rừng, chủ rừng, UBND các xã, phường, thị trấn phải có quy định, nội quy về PCCCR; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng; có phương án PCCCR theo quy định; có các công trình PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất của từng loại rừng; trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án PCCCR; có lực lượng PCCC được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCCR theo quy định của pháp luật về PCCC...

Vụ cháy rừng cảnh quan dọc quốc lộ 14 (thuộc thôn 9 xã Nâm N’ Jang, huyện Đắk Song) vào ngày 30/11/2023 được lực lượng tại chỗ trong “Liên đội dân phòng trong công tác PCCC và CNCH” dập tắt thành công

Đối với các khu rừng có đường dây điện cao thế và công trình có nguy cơ gây cháy rừng phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp vói từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa. 

Đối với người dân khi đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp an toàn PCCC; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, trước khi đốt phải thông báo với các đơn vị chức năng để có biện pháp phòng ngừa sự cố. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa... 

Khi phát hiện cháy rừng, người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị là chủ rừng; đội PCCCR nơi gần nhất; cơ quan kiểm lâm hoặc cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất; chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an, quân đội nơi gần nhất. 

Cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng. 

Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy. 

Chủ rừng và các lực lượng công an, kiểm lâm, quân đội, dân phòng và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật về PCCC. 

Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy rừng, chỉ huy chữa cháy rừng, tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản khi chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về PCCC.

Đối với các địa bàn nguy cơ cháy rừng cao (đặc biệt là rừng thông) như: xã Trường Xuân, xã Nâm N’ Jang thuộc huyện Đắk Song và phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa  cần tăng cường sự phối hợp nắm tình hình, xử lý sự cố cháy rừng, cháy rẫy ở các địa bàn giáp ranh; phát huy tối đa hiệu quả mô hình “Liên đội dân phòng trong công tác PCCC và CNCH” với phương châm “bốn tại chỗ”.

PCCC

Các tin khác