Đắk Nông chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh năm 2024
Để thực hiện có hiệu quả Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, UBND dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 12/02/2024 về thực hiện công tác PCCC và CNCH năm 2024 trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó ngày 26/02/2024 Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch công tác số 106/KH-BCĐ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; kế hoạch số 114/KH-BCĐ về tổ chức Hội thị nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng và các “Tổ liên gia an toàn về PCCC” năm 2024…
Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị chữa cháy
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan phát huy vai trò trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Giao Công an tỉnh thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện và tham mưu Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh xây dựng Kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai các mặt công tác PCCC và CNCH của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, tham mưu với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu với Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về Công tác PCCC trong tình hình mới; tham mưu triển khai có hiệu quả công tác thực tập phương án đặc biệt là phương án cấp bộ, cấp tỉnh; các hội thi, hội thao... Tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao như: cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chợ, trung tâm thương mại… hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình, người dân có ngay các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; có giải pháp ngăn cách khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC; giảm mật độ người thường xuyên làm việc, mật độ chất dễ cháy trong cơ sở, hộ gia đình…; đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ năng và chủ động phương án chữa cháy, thoát nạn để bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng về PCCC và thoát hiểm, thoát nạn cho người dân bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác PCCC và CNCH, nhất là các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao,...
Tăng cường rà soát phương án, kịch bản và tổ chức tốt công tác thường trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PCCC và CNCH; rà soát kiểm tra việc chấp hành pháp luật về công tác PCCC đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao theo thẩm quyền.
Đối với UBND các huyện, thành phố thành tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao như: cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chợ, trung tâm thương mại,… theo phân cấp quản lý; chủ động phát hiện các vấn đề tồn tại, các vi phạm về PCCC và CNCH để kịp thời hướng dẫn, kiến nghị thực hiện ngay các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về PCCC thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; rà soát, kiểm tra, xử lý, kiên quyết buộc tháo dỡ đối với các công trình, nhà ở xây dựng trái phép lấn chiếm lối đi công cộng làm cản trở lối thoát nạn và các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình, người dân có ngay các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; có giải pháp ngăn cách khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC; giảm mật độ người thường xuyên làm việc, mật độ chất dễ cháy trong cơ sở, hộ gia đình,…; đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ năng và chủ động phương án chữa cháy, thoát nạn để bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra./.