Đắk Nông là một tỉnh Tây Nguyên có địa hình đồi núi, độ dốc mạnh, chênh lệch lớn, trong những năm gần đây, mưa lũ ngày càng phức tạp khó lường, năm nào tỉnh cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất trên các tuyến đường, nhất là ở những vùng nông thôn, đặc biệt đối với các địa phương như huyện Tuy Đức, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt, lở đất đá.
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường tránh Gia Nghĩa nối Quốc lộ 14 với Quốc lộ 28 (tháng 8/2023) do người dân san lấp mặt bằng lấp mất cống thoát nước.
Trước tình hình đó, để chủ động triển khai phòng, tránh và ứng phó hiệu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do các sự cố thiên tai xảy trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo biện pháp phòng tránh sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ như sau:
1. Khi phát hiện những nguy cơ như: Mưa nhiều ngày, mưa lớn, đặc biệt ở thượng lưu các sông, xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông suối chuyển đục, mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất; cần phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và những người xung quanh, có phương án sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Sạt lở tại huyện Tuy Đức
2. Khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường phải chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm, ngay lập tức di tản đến khu vực trú ẩn an toàn nơi có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu; tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút.
3. Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các đợt mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lỡ đất đá cao. Tham gia tích cực các cuộc họp của địa phương để biết thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng ngừa. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết.
4. Gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây; bảo vệ nguồn nước, dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày; tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không.
5. Không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết và khu vực sạt lỡ đất; không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi cố mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục bẩn; không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.
Hiện tượng nứt gãy, có nguy cơ sạt lở tại đoạn đường Quốc lộ 14 đoạn qua tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa.
6. Không lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện bị đổ xuống nước; sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc,…) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
7. Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng; sử dụng nước từ các nguồn an toàn (ví dụ như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).
8. Chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm. Khi gặp các sự cố, tai nạn nhanh chóng gọi điện cho lực lượng Công an, chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ.