Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần 1: Bối cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng ta

02/5/2024, 18:36:33
In trang

Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng đã ghi lại những dấu ấn đậm nét về tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân (CAND), những người chiến sĩ âm thầm góp sức cho tiền tuyến đánh bại kẻ thù xâm lược.

Bối cảnh lịch sử

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh những ngày đầu độc lập, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam; sau đó từng bước mở rộng chiến tranh, chối bỏ mọi cố gắng cao nhất về ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự do, quyết chiến, quyết thắng, một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, từng bước quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược quân sự của bè lũ thực dân, giành được những thắng lợi quan trọng, nổi bật trên các mặt trận Việt Bắc 1947, Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950.

Năm 1953, sau 8 năm đeo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, thực dân Pháp rơi vào thế trận sa lầy, tổn hao sinh lực không lối thoát: các chiến dịch liên tục bị thất bại, quân lực thiệt hại ngày càng tiến đến những con số khổng lồ, vùng chiếm đóng ngày càng thu hẹp. Quân Pháp loay hoay mắc kẹt giữa việc tập trung lực lượng để xoay chuyển tình thế với phân tán quân để chiếm đất giành dân, đối phó với lực lượng du kích của ta. Chi phí cho chiến tranh ngày càng cao làm cho nền kinh tế tài chính Pháp kiệt quệ, tình hình chính trị xã hội bất ổn, nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương.

Trước tình hình đó, với hy vọng cứu vãn tình thế, Pháp tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ. Ngày 7/5/1953, tướng Henri Navarre, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cử tới Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Sau khi điều tra và nghiên cứu tình hình, ngày 24/7/1953, Navarre trình bày kế hoạch trước Hội đồng Quốc phòng do Tổng thống Pháp chủ tọa. “Kế hoạch Navarre” với mục tiêu tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định làm cơ sở cho một cuộc đàm phán hòa bình trên thế mạnh.

Công an và lực lượng vũ trang Hà Nội cùng nhân dân dựng chiến lũy trên đường phố Thủ đô chống giặc Pháp trở lại xâm lược. Ảnh tư liệu

Để thực hiện mục tiêu, thực dân Pháp tăng cường tung gián điệp và biệt kích hỗn hợp phá hoại vùng hậu phương chiến lược của ta (gồm Bắc Bộ, Liên khu IV, Tây Bắc...), đồng thời ráo riết triển khai các hoạt động tình báo gián điệp, thực hiện âm mưu gây phỉ. Bên cạnh đó, chúng kết hợp sử dụng các hoạt động chiêu hàng, mua chuộc lực lượng kháng chiến, hoạt động biệt kích và chiến tranh tâm lý trong vùng căn cứ ở Trung Bộ và Nam Bộ.  
Cuối năm 1953 Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lợi hại phục vụ âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Bọn địch hy vọng kiến tạo Điện Biên Phủ trở thành “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Để phòng ngừa từ xa sự tấn công của ta, chúng cho máy bay ném bom phát quang vòng ngoài, tung các toán gián điệp biệt kích, cài cắm các tổ gián điệp trên dọc tuyến đường dẫn đến Điện Biên Phủ nhằm do thám chỉ điểm phá hoại cầu đường và thu thập tin tức các mặt hoạt động của ta.

Chủ trương của Đảng

Trước âm mưu của địch, ngay từ đầu những năm 1950, Đảng ta đã chủ trương củng cố, kiện toàn về tổ chức và đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trong tình hình mới.

Ngày 23/11/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 26 - QN/TW về “công tác công an” cùng nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết quan trọng khác, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, các khóa huấn luyện, trao đổi nghiệp vụ, tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng Công an trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “phòng gian bảo mật, tổ chức đấu tranh truy bắt gián điệp biệt kích, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ các cơ quan, kho tàng ở mỗi địa phương. Với phương châm “lấy vận động chính trị là chính, kết hợp với tiến công quân sự”, tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc thành lập Ban thống nhất chống phỉ do đồng chí Trần Quyết, Bí thư Khu ủy làm Trưởng ban.

Công an xưởng Nam Bộ chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến, năm 1949. Ảnh tư liệu

Ngày 06/12/1953, sau khi phân tích tình hình địch, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm mở trận quyết chiến chiến lược tại mặt trận Điện Biên Phủ. Từ chỗ chọn nơi sơ hở của địch để đánh, ta đã nhằm vào chỗ mạnh nhất của địch để tiêu diệt nhằm đập tan Kế hoạch Nava, chấm dứt âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của chúng. Thể hiện rõ quyết tâm chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về mặt quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Quyết định của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên sự phân tích khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, tình hình phát triển toàn diện của cuộc kháng chiến, bối cảnh trong nước và quốc tế, thể hiện niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của chiến tranh Nhân dân.

Quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành ý chí và hành động của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước. Từ đầu tháng 12/1953, quân và dân cả nước tập trung cho công tác phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả hậu phương hùng hậu từ Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã tập trung mọi sức lực và của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bocongan.gov.vn