Trong đời sống chính trị, xã hội ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị chuẩn mực của đức, tài, uy tầm để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại.
Mô hình gắn liền thương hiệu, dấu ấn người “cầm trịch”
Trong rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” luôn là vấn đề thời sự, xuyên suốt, vốn được xác định rõ là một trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, được chỉ ra từ giữa nhiệm kỳ Đại hội VIII. Năm 2006, ngày đó khi đưa tin tại nghị trường Quốc hội, tôi nhận thấy không khí thực sự sôi nổi, gay cấn đa chiều từ các buổi thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi cũng như trong dư luận xã hội. Thực tế, luật này vừa được thảo luận, thông qua năm 2005, nay lại trình lên nghị trường sửa đổi với điểm nhấn cơ bản là việc thành lập ban chỉ đạo về PCTN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân tại Hà Nội trong đêm 30 Tết Mậu Tuất 2018
Khi trình ra Quốc hội, ý kiến ủng hộ rất lớn bởi các đại biểu cho rằng, chống tham nhũng là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, nếu cứ "việc ai người nấy làm" sẽ rất khó, nhất là đối với các vụ án lớn, liên quan nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Cần thiết phải có một ban chỉ đạo với vai trò như tổ chỉ đạo, điều hành, đảm bảo tính khách quan, trung thực; xem xét tính chất, mức độ, hệ quả từng vụ việc để đốc thúc các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Sau cùng, dựa trên ý kiến đa số, Quốc hội đồng ý với chủ trương lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và được xác định là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với những tồn tại, bất cập trong thực tiễn nên Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI (năm 2012) đã quyết định chuyển đổi mô hình ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu.
Từ khi chuyển mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thuộc Bộ Chính trị đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự kỳ họp của Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Từ thực tiễn cho thấy, có ban chỉ đạo mô hình đúng và trúng là điều kiện cần, song điều quyết định đến thành công là con người và trên hết, trước hết chính là các đồng chí tham gia Ban Chỉ đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng ta thấy rằng, tham nhũng diễn biến phức tạp từ lâu, bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất thì Đảng cũng chỉ ra từ lâu và Đảng cũng đã rất nhiều lần ban hành nghị quyết, chỉ thị để chỉnh đốn. Nhưng tại sao chỉ đến lúc này, công cuộc này, phong trào này mới thực sự lan toả, mới thực sự đạt dần đến kỳ vọng của muôn dân? Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công cuộc phòng, chống tham nhũng đã trở thành một xu thế mà “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, đòi hỏi phải vào cuộc với quyết tâm mạnh mẽ, “ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại một phiên họp BCĐ Trung ương về PCTN, TC. Ảnh: CTV
Còn nhớ, khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít người hoài nghi, không tin tưởng nghị quyết này sẽ đem lại điều gì đó khác trước. Có người lo ngại, chắc lại “đá ném ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa”, rồi chế diễu “chỉ nghị quyết giấy thôi”! Nhưng tới nay, sự chuyển động của một nghị quyết được dư luận xã hội nói đến như một “thương hiệu” của lòng tin: chỉ cần nói Trung ương 4, người dân đều hiểu đó là nghị quyết chỉnh đốn Đảng, chống quan tham, là nghị quyết của “công cuộc đốt lò, nhóm củi” mà không nhất thiết phải nêu rõ tên đầy đủ của nghị quyết.
Do đó, nhìn lại lịch sử thì cái thiếu trong công cuộc chống “giặc nội xâm” dường như không phải là nghị quyết, chỉ thị. Cái thiếu là một người thủ lĩnh chính trị với vai trò thổi lửa, nhóm lò, cầm trịch thực sự hội đủ bản lĩnh, uy tầm. Cho tới nay, với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), phong trào đấu tranh tạo bước ngoặt, mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó” và một khi PCTN, TC đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”!
... Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó” và một khi PCTN, TC đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”!
Quy tụ sức mạnh tinh thần, sức mạnh thời đại
Chống “giặc nội xâm” luôn khó khăn bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý và đồng chí, đồng đội, giữa vạch mặt chỉ tên và thân quen, cánh hẩu nhiều khi bện chặt trong đa dạng các mối quan hệ xã hội khó bóc tách. Tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, đó là mầm họa có nguy cơ làm suy sụp một thể chế, làm băng hoại đạo đức con người.
Nói về tham nhũng của giới quan trường thì thời nào, ở nước nào cũng có và phòng trừ nó là công việc vô cùng khó khăn. Tham nhũng gắn với những người có chức có quyền. Trong điều kiện quyền lực trong tay, nếu bị ma lực đồng tiền điều khiển thì sự công bằng, lẽ phải sẽ bị lụi bại. Hơn 700 năm trước, Trần Hưng Đạo đã cảnh báo 5 điều họa, trong đó “tham nhũng lan tràn” sẽ làm cho quốc sỉ mất, liêm sỉ tan và quốc gia bại vong...
Tổng Bí thư thực hiện quyền cử tri, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Ảnh: CTV
Trong đời sống chính trị, xã hội ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị chuẩn mực của đức, tài, uy tầm để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại. Nhiều vị vua, quan trong triều đại phong kiến xưa, nếu như người dân kính phục bởi sự anh minh, mẫn tiệp thì ở mức độ cao hơn, người dân tôn thờ, ngưỡng vọng bởi đức độ, thanh liêm vì muôn dân. Triều đại hưng vong, thịnh suy trước hết phụ thuộc tài năng lãnh đạo và đức độ của người chèo lái quốc gia, của thủ lĩnh chính trị ở thời kỳ đó. Xã tắc vững bền, dân chúng đồng lòng hay không cũng phụ thuộc phần nhiều bởi yếu tố này, gắn với bối cảnh lịch sử và những nhân vật lịch sử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan toả khí thế, niềm tin toàn xã hội cũng bởi chính thành công trong nói và làm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; dưới sự dẫn dắt, chèo lái của thủ lĩnh chính trị - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để đạt hiệu quả công cuộc chống tham nhũng hiện nay, người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư, người “cầm trịch” thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, nghiêm khắc nhưng cũng thể hiện tính nhân văn, đảm bảo tính răn đe để giáo dục, phòng ngừa…
Liêm, chính từ “tế bào của xã hội”
Và điều đặc biệt, người “cầm trịch” chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động, uy tầm trong chỉ đạo mà trên hết chính là sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.
Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở cán bộ làm công tác chống tham nhũng rằng, muốn làm được, chống được thì tự thân mình phải sạch, phải khỏe. “Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch rồi mới chống tham nhũng được, nếu không, nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý.
Sự bình dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân. Ảnh: CTV
Sạch ở đây là trong sạch với chính mình, phải luôn cần, kiệm, liêm, chính, coi việc nước, việc công là trên hết. Nhưng với chính mình chưa đủ mà còn phải với người thân trong gia đình, dòng họ, đó là vợ, chồng, con cháu, xa nữa là họ hàng chú bác bên nội, bên ngoại.
Chúng ta thấy, với sự nêu gương liêm, chính, kiệm, cần thì vợ, con, những người thân trong gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đều tuân theo và thể hiện xuyên suốt lối sống, đức tính đó, không có ai để lại điều gì gây ảnh hưởng tới gia đình. Đó thực sự là chuẩn mực ngay từ góc độ “gia đình là tế bào của xã hội”.
Đây là điều mà ngày nay, nhiều quan chức tỏ ra khó thích nghi: người thì sống xa hoa, phung phí từ bản thân đến vợ, con, để người dân nguyền rủa “tham cả họ”; người thì cố gắng liêm khiết nhưng lại bị “đứt nghiệp” khi để “bóng tối dưới chân đèn” – vợ, con ăn chơi, vơ vét, bòn rút của dân, gây tai tiếng khó gì gột rửa!
Bởi thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, “tiền bạc, vật chất chỉ là phù vân”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Và chính sự nêu gương thanh bạch, giản dị của Tổng Bí thư trong phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc, lan tỏa giá trị thực tiễn sâu sắc của người thủ lĩnh chính trị trong lãnh đạo, chèo lái nước nhà nói chung, trong công cuộc PCTN, TC nói riêng. Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ những yếu tố này, giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương chính, liêm, kiệm, cần.
...Với sự nêu gương liêm, chính, kiệm, cần thì vợ, con, những người thân trong gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đều tuân theo và thể hiện xuyên suốt lối sống, đức tính đó, không có ai để lại điều gì gây ảnh hưởng tới gia đình. Đó thực sự là chuẩn mực ngay từ góc độ “gia đình là tế bào của xã hội”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng cùng gia đình trong ngày Tết cổ truyền
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là 9 chữ cơ bản, gói gọn tư tưởng, học thuyết của Nho giáo, một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Có điểm chung trong tư tưởng này, đó là dù ở phạm vi nào, gia đình (tề gia) hay quốc gia (trị quốc) thì cá nhân người đầu tàu phải thể hiện được tư chất, uy tín. Một gia đình để thuận hòa, yên ấm thì ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương cho con cháu. Một quốc gia muốn thịnh trị thì những người “cầm trịch” phải hội đủ tài đức. Và dù “tề gia” hay “trị quốc”, trước hết đều phải “tu thân”, phải tự mình tu dưỡng, luyện rèn.
Bởi vậy, Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và có cơ sở từ truyền thống, đạo lý văn hóa lâu đời. Quy định 08 yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc “cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.
Căn phòng làm việc giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: CTV
Một đảng vững mạnh, trước hết những người “cầm cương” phải vững, phải dũng khí, uy tầm, là tấm gương tỏa sáng muôn dân. Lòng tin ấy không phải được hình thành từ những ngôn ngữ sách vở, từ những buổi giáo huấn. Lòng tin được củng cố, vun đắp, lan tỏa chính từ hành động thực, con người thực của người đứng đầu Đảng ta – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và khi lòng tin đã hội tụ, đã được bồi đắp vững chắc thì lòng tin ấy trong muôn dân sẽ trở thành sức mạnh tinh thần vô giá, là cơ sở để thực hiện thành công các đường lối, quyết sách của cách mạng.