Nội dung chi tiết

Tên TTHC
Giải quyết tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân
Lĩnh vực
Lĩnh vực khiếu nại, tố cáo
Trình tự thực hiện

Bước 1: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm và phân loại như sau:

a) Xử lý ban đầu thông tin tố cáo (Điều 24 Luật Tố cáo 2018)

- Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình (được quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP, ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân) thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc; trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật Tố cáo năm 2018; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

- Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

- Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được tố cáo không xử lý.

b) Tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo (Điều 25 Luật Tố cáo 2018)

- Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo 2018 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định Luật Tố cáo năm 2018 (khoản 1).

- Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

c) Tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân cso thẩm quyền chuyển đến (Điều 26 Luật Tố cáo):

- Khi nhận được tố cáo của cá nhân do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành phân loại và xử lý như sau:

+ Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý thì thụ lý tố cáo; trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

+ Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo thì không thụ lý; trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý nhưng có nội dung, thông tin rõ ràng về người có hành vi vi phạm, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý (khoản 1).

- Kết quả xử lý tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Tố cáo được thông báo bằng văn bản cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển tố cáo trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.

d) Xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm:

- Trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo, nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo ngay cho cơ quan Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm.

Bước 2: Thụ lý, xác minh nội dung tố cáo:

Người giải quyết tố cáo ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo (sau đây gọi tắt là quyết định thụ lý). Việc thay đổi, bổ sung nội dung quyết định thụ lý phải thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo.

          Trong trường hợp người giải quyết tố cáo trực tiếp tiến hành xác minh thì trong quyết định thụ lý phải thành lập Đoàn xác minh tố cáo hoặc Tổ xác minh tố cáo (sau đây gọi chung là Tổ xác minh) có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người làm Trưởng đoàn xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh (sau đây gọi chung là Tổ trưởng Tổ xác minh).

Trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan chức năng khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo thì trong quyết định thụ lý phải ghi rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tố cáo; họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; nội dung cần xác minh; thời hạn xác minh. Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng khác được giao xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm thành lập Tổ xác minh.

Người giải quyết tố cáo phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ lý.

Trước khi tiến hành xác minh, phải tổ chức công bố quyết định thụ lý giải quyết tố cáo hoặc quyết đinh nội dung tố cáo.

Trong quá trình xác minh, Tổ xác minh phải làm việc với người bị tố cáo; người tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan để thu thập các tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.

Bước 3: Báo cáo kết quả xác minh và kết luận nội dung tố cáo

a) Dự thảo Báo cáo kết quả xác minh, tổ chức thông báo dự thảo Báo cáo kết quả xác minh.

b) Hoàn chỉnh Báo cáo kết quả xác minh

Các bước tiến hành trên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 129/2020/TT-BCA, ngày 08/12/2020 của  Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (có hiệu lực kể từ ngày 22/01/2021).

c) Kết luận nội dung tố cáo

Căn cứ Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ban hành Kết luận nội dung tố cáo.

Bước 4: xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo

Ngay sau khi có Kết luận về nội dung tố cáo, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền căn cứ kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo để xử lý theo quy định tại Thông tư số 129/2020/TT-BCA, ngày 08/12/2020 của  Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (có hiệu lực kể từ ngày 22/01/2021).

Bước 5: công khai kết luận nội dung tố cáo

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra Kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai Kết luận nội dung tố cáo, Quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quyết định việc công khai kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo, việc công khai phải bảo đảm bí mật thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo được thực hiện bằng một số hình thức sau đây:

(1) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác.

(2) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

(3) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

(4) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bước 6: Kết thúc việc giải quyết tố cáo.

Tổ trưởng Tổ xác minh làm thủ tục kết thúc hồ sơ, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định kết thúc hồ sơ để nộp lưu theo quy định.

 

Cơ quan thực hiện
Cơ quan Công an các cấp
Cách thức thực hiện

tố cáo trực tiếp đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP, ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân hoặc gửi đơn tố cáo qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

 

Thành phần, số lượng hồ sơ

+ Thành phần hồ sơ:

a) Nhóm 1 gồm các văn bản, tài liệu sau: Đơn tố cáo hoặc Biên bản ghi nội dung tố cáo trực tiếp; Quyết định thụ lý, Quyết định thành lập Tổ xác minh; Kế hoạch xác minh tố cáo; Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; các văn bản thông báo, xử lý, kiến nghị xử lý tố cáo.

b) Nhóm 2 gồm các văn bản, tài liệu sau: Các biên bản làm việc; văn bản, tài liệu, chứng cứ thu thập được; văn bản giải trình của người bị tố cáo; các tài liệu khác có liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

 

Thời gian giải quyết

thời hạn giải quyết tố cáo là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp, thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày; người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Đối tượng thực hiện

cá nhân là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân được quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

 

Kết quả thực hiện TTHC

Kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

 

Lệ phí

không.

Tên đơn, mẫu tờ khai

không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện

theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật tố cáo: Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau đây:

a) Tố cáo được thực hiện theo Điều 23 của Luật Tố cáo

b) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật.

c) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo.

d) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

 

Căn cứ pháp lý

+ Luật Tố cáo (Luật số 25/2018/QH14 ngày 11/11/2011).

+ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019 của  Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo.

+ Nghị định số 22/2019/NĐ-CP, ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

+ Thông tư số 85/2020/TT-BCA ngày 03/8/2020 của Bộ Công an Quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

+ Thông tư số 129/2020/TT-BCA, ngày 08/12/2020 của  Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (có hiệu lực kể từ ngày 22/01/2021).

 

Ghi chú
Đính kèm