Thông báo của Công an tỉnh Đắk Nông về các biện pháp phòng, chống các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

19/1/2024, 12:36:15
In trang

Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đa dạng, thường xuyên thay đổi như: Giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook và các hình thức khác. Cụ thể:

1. Các đối tượng giả danh cán bộ các cơ quan thi hành pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...), doanh nghiệp, dịch vụ (bưu điện, ngân hàng…) gọi điện thông báo thông tin giả mạo cho người bị hại nhằm thu thập các thông tin cá nhân (Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP …), sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.

2. Các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của người bị hại rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng sau đó chiếm đoạt.

3. Lừa đảo thông qua việc kêu gọi tham gia đầu tư, mua bán, giao dịch các loại “tiền ảo”, “tiền  kỹ thuật  số”, “tiền mã hóa” (Bitcoin, Etherum, USDT...) trên các sàn giao dịch, sàn đầu tư kèm theo các lời cam đoan, hứa hẹn lợi nhuận lớn,  bảo hiểm vốn... Sau khi huy động được lượng tiền lớn, các đối tượng sẽ can thiệp hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

4. Thông báo tuyển cộng tác viên chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao. Sau khi tạo dựng được niềm tin cho người bị hại bằng một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán hoa hồng đầy đủ, đối tượng yêu cầu người bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, sau đó đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, quá  hạn... và yêu cầu chuyển thêm nhiều lần tiền để bảo lãnh, xác minh tài khoản thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi. Đưa người bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền thì phải làm theo cho đến khi hết khả năng thanh toán.

 

(Nguồn ảnh Vietnam+)

Để phòng, chống tội phạm lừa đảo, Công an tỉnh Đăk Nông đề nghị Nhân dân thường xuyên theo dõi thông tin trên các kênh truyền thông chính thức của các cơ quan chức năng để biết được các thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo khi các cơ quan chức năng thông báo, đồng thời thực hiện tốt “04 Không”“2 Phải”, như sau:

“4 không”: (1) Không sợ - Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân;  (2) Không tham - Khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không tin lời các đối tượng; (3) Không kết bạn với người lạ - Khi có người lạ trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, không có mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, không cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng; (4) Không chuyển khoản - Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền thì tuyệt đối không làm theo.

“2 phải” là: (1) Phải thường xuyên cảnh giác - Chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ Căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...; (2) Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ - Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung thông tin nghi ngờ là hoạt động lừa đảo thì phải báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý. Số điện thoại Trực ban hình sự Công an tỉnh Đắk Nông - 0261.355.1567, thường trực tiếp nhận thông tin 24/24h.