Từ năm 2004 đến nay, với 18 năm làm công tác kỹ thuật hình sự, dù là nhiệm vụ giám định pháp y hay giám định dấu vết đường vân, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích - Đội trưởng, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 05 năm liên tiếp được phân loại “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (từ 2017 – 2021), được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành Công an.
Nhắc đến Thiếu tá Nguyễn Văn Thích, các đồng đội của anh thường gọi anh là “người đặc biệt”; đặc biệt bởi vị trí công việc đầy áp lực, có khi ám ảnh đến mức nhiều người xin chuyển công tác thì anh lại làm đơn xin vào. Tốt nghiệp ngành Y, năm 2004, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thích được tuyển vào ngành Công an và được phân công về Bệnh xá Công an tỉnh Đắk Nông với nhiệm vụ chính là theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Sau một thời gian công tác, tìm hiểu về công việc giám định pháp y, anh Thích quyết định viết đơn xin chuyển về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự trong sự ngạc nhiên của mọi người. Thiếu tá Nguyễn Văn Thích chia sẻ, “làm việc” với xác chết tuy không gặp nguy hiểm như trực tiếp đấu tranh với tội phạm nhưng đây công việc hết sức vất vả, phải thường xuyên tiếp xúc với tử thi, mang nhiều định kiến của xã hội.
Kể lại trong một vụ khám nghiệm tử thi trong rừng tại huyện Krông Nô 2007, đoàn khám nghiệm phải đi bộ hơn 2km đường rừng mới đến hiện trường. Khi phát hiện nạn nhân đã chết 7-8 ngày, thi thể đang trong quá trình phần hủy mạnh, cán bộ khám nghiệm phải làm việc 03 tiếng đồng hồ, kiểm tra cẩn thận từng phần, từng bộ phận cơ thể tử thi để tìm ra viên đạn bắn vào người. Đó không phải là trường hợp cá biệt, trong nhiều vụ khi phát hiện thi thể nạn nhân đã phân hủy ở các mương nước hay trong rừng, người giám định bị nhiều loại côn trùng, nhặng, ruồi xanh bò lên người gây ngứa ngáy; “không còn cách nào khác, anh em phải cởi quần áo, tìm một vũng bùn lao xuống hoặc bãi đất nào đấy lăn người cho đỡ ngứa rồi mới tiếp tục công việc của mình” - Thiếu tá Nguyễn Văn Thích chia sẻ. Một nỗi “ám ảnh” thường trực khác của các bác sỹ pháp y là khi khám nghiệm tử thi của các đối tượng bị nhiễm HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Mặc dù được trang bị đồ bảo hộ, luôn đề phòng, cảnh giác cao độ, nhưng trong điều kiện làm việc với áp lực cao, có khi bị kim đâm vào tay lúc mổ xẻ, khâu vết mổ, nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Những lúc ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích cùng đồng đội của mình lại tự động viên nhau cố gắng vượt qua để xác định nguyên nhân cái chết từ những dấu vết trên tử thi, “bắt” sự thật phải lên tiếng. Bên cạnh đó với tâm lý truyền thống phương Đông cho rằng người chết phải “toàn thây”, mổ xẻ người chết là mang tội, khiến người thân thêm đau lòng nên trong nhiều trường hợp, người thân của nạn nhân tìm mọi cách ngăn cản hoạt động khám nghiệm tử thi. Khi đó, các bác sỹ pháp y vừa phải kiên trì giải thích, phổ biến quy định của pháp luật, vừa phân tích “cần phải tìm ra sự thật thì người đã khuất mới yên lòng nơi chín suối” để người nhà nạn nhân đồng ý cho khám nghiệm tử thi. Anh tâm sự, đến với nghề nhờ duyên, ở lại với nghề nhờ đam mê và chất “men” của trách nhiệm. Thứ men đủ vị cay, đắng, ngọt bùi; ngọt bùi khi góp phần tìm ra sự thật trong các vụ án; cay đắng khi sơ suất khiến hoạt động điều tra gặp nhiều khó khăn. Để rồi từ chất men đủ vị ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích và đồng đội lại tự dặn mình và động viên nhau mỗi khi làm nhiệm vụ - “cẩn thận mấy vẫn thiếu, cẩu thả một lần đã thừa”!
Không ngại mưa gió, bất kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích cùng đồng đội Phòng Kỹ thuật hình sự luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể lúc nào khi có nhiệm vụ. Từ năm 2013 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích được nhận nhiệm vụ công tác mới, giữ chức danh Giám định viên tài liệu, đường vân. Trong lĩnh vực giám định tài liệu, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích đã trực tiếp nhận và triển khai tổ chức tiến hành giám định tổng số 1000 vụ việc các loại, với tổng số 5000 tài liệu mẫu vật cần giám định. Đây là một lĩnh vực giám định đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, thận trọng, tập trung cao, chịu áp lực về thời gian, nhưng anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, các vụ việc đều được kết luận đúng, đã giúp cho Cơ quan trưng cầu giám định có cơ sở khoa học pháp lý trong nghiên cứu đánh giá vụ việc, làm rõ sự việc một cách khách quan, toàn diện góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực giám định đường vân, Thiếu tá Nguyễn Văn Thích đã tiếp nhận và tiến hành giám định 200 vụ với tổng số 400 mẫu vật, dấu vết các loại. Qua công tác giám định đã đưa ra những kết luận chính xác, kịp thời làm rõ các đối tượng giết người, trộm cắp tài sản, các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng thay đổi thông tin cá nhân để thực hiện hành vi hoạt động phạm tội, xác định tung tích lai lịch nạn nhân… từ đó giúp Cơ quan điều tra có căn cứ giải quyết vụ án, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đẩy lùi tội phạm và các hành vi sai trái ra khỏi đời sống xã hội.
Những cố gắng, nỗ lực của Thiếu tá Nguyễn Văn Thích đã nhận được sự ghi nhận của lãnh đạo cấp trên. Trong 05 năm liên tục anh đã đạt danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (giai đoạn 2017-2021), được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Bằng khen; được Giám đốc Công an tỉnh khen tặng “Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc giai đoạn 2015 - 2020”, nhiều năm liên tiếp được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành Công an… Nhưng đối với Thiếu tá Nguyễn Văn Thích, phần thưởng lớn nhất đối với anh có lẽ là việc thông qua công việc của mình có thể giúp cho sự thật được lên tiếng và công lý được thực thi. Đó cũng là hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân“ Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.