Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người.
Hình ảnh minh họa
Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Các văn bản chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phù hợp với từng giai đoạn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng, phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyên truyền; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết luyệt; công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân; công tác hợp tác quốc tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn thế giới và khu vực ...công tác quản lý nhà nước về Phòng, chống mua bán người đi vào nề nếp; Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện phòng, chống mua bán người; giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Công an tỉnh Đắk Nông đấu tranh với nhóm đối tượng lừa bán người qua Trung Quốc bằng thủ đoạn môi giới hôn nhân
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ bất cập, một số quy định không còn phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế xã hội hiện nay (như việc hỗ trợ đối với nạn nhân chưa được cấp giấy xác nhận; việc ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người...); nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong thực hiện (như chưa có quy định về kinh phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội;...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) về căn bản được điều chỉnh, bổ sung, quy định cụ thể, chi tiết hơn một số nội dung trong công tác Phòng, chống mua bán người mà Luật hiện hành còn thiếu, chưa phù hợp như: việc bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm (hành vi Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người hoặc cản trở việc giải cứu tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi mua bán người...); việc bổ sung quy định quản lý về an ninh, trật tự phục vụ công tác phòng, chống mua bán người (thông qua việc khai thác có hiệu quả công tác quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, định danh, xác thực điện tử); bổ sung cụ thể phương pháp giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đối với từng trường hợp cụ thể (nạn nhân đang ở nước ngoài, nạn nhân từ nước ngoài trở về, nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán ở Việt Nam); hay việc mở rộng diện đối tượng được hỗ trợ và cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ ( nạn nhân dưới 18 tuổi nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ trong năm đầu tiên và năm liền kề, trong khi luật hiện hành chỉ hỗ trợ năm học đầu tiên đối với người chưa thành niên thuộc hộ nghèo; hỗ trợ chi phí phiên dịch; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ...).
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.