Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng SIM rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hoạt động trở lại với các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày các phức tạp, tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trât tự trên địa bàn tỉnh. Một số phương thức thủ đoạn như sử dụng SIM rác để thực hiện gửi tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo gây phiền toái cho người dùng. Đặc biệt là xuất hiện một số tin nhắn rác mời chào kiểu đa cấp, cuộc gọi giả mạo các cơ quan nhà nước để lừa đảo người dùng; khủng bố đòi nợ; xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức; sử dụng sim rác để đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử ảo để rửa tiền ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư quy định chế tài xử lý việc quản lý, sử dụng SIM rác như Nghị định 14, Nghị định 15 đồng thời đã quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc đăng ký, mua bán SIM thuê bao trả trước song tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo có tính chất quấy rầy vẫn liên tục tái diễn, gây bức xúc cho người sử dụng mạng di động. Điều này cho thấy còn có kẽ hở trong quản lý hoạt động đăng ký thông tin thuê bao và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết “vấn nạn” SIM rác.
Xuất phát từ tình hình thực tế của địa bàn tỉnh cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông đã chủ động tham mưu triển khai các mặt công tác nhằm tăng cường rà soát, phát hiện nhiều cá nhân có hành vi bán sim rác, sim không chính chủ trên không gian mạng, đã tiến hành mời làm việc, xử lý yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với một số cá nhân.
Ngày 08/8/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với ông P.Q.H (trú tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) về hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” theo quy định tại Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 (sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022) của Chính phủ, phạt tiền 17.500.000 đồng (Mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng), thu giữ 670 SIM thuê bao di động đã đăng ký thông tin, kích hoạt dịch vụ, tiến hành bàn giao số SIM thu được cho đơn vị viễn thông để thu hồi về kho số.
SIM thuê bao di động đã kích hoạt là SIM có thông tin thuê bao không chính xác. Do đó, người dân khi mua SIM đã kích hoạt để sử dụng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các nội dung khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ viễn thông nói chung và nội dung qua tin nhắn nói riêng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân nên đăng ký chính chủ cho thuê bao để đảm bảo các quyền lợi chính đáng và được pháp luật bảo vệ.
Thời gian tới, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục tăng cường nắm tình hình để phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật.