Mạnh tay với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật độc hại

09/8/2022, 15:11:12
In trang

Liên tiếp phát hiện vi phạm

Mới đây,  Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra việc hấp hành các quy định của Pháp luật về bảo vệ thực vật tại một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn huyện K’rông Nô do bà L.T.T. làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho cửa hàng của bà T. có chứa một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không có hóa đơn chứng từ, không nằm trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng, gồm:  58 chai thuốc trừ sâu VK SUDAN (loại 450ml/chai) có chứa hoạt chất Chlorpfios Ethyl; 16 chai thuốc trừ cỏ cải tiến PIUP annong (loại 900ml/chai) có chứa hoạt chất Glyphosate; 18 gói thuốc cỏ Finico có chứa hoạt chất Fipronil ... Mở rộng đấu tranh, lực lượng chức năng phát  hiện tại kho hàng của bà T. ở bên cạnh có cất giữ  một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, gồm 460 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu PIUP annong; 720 chai nhãn chữ nước ngoài Paraquat; 270 chai thuốc Sâu, rầy, rệp ruồi vàng; 30 thùng chứa hoạt chất Chlorpfios Ethyl; 50 chai thuốc trừ cỏ Cochay có chứa hoạt chất  Diquat. Tổng giá trị lô hàng là hơn 160 triệu đồng. Phòng Cảnh sát môi trường đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ các sản phẩm,  và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T. theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 27/4, Phòng Cảnh sát môi trường đã  kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật  tại một  cơ sở  trên địa bàn huyện Cư Jút do ông  P.V.A. làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở kinh doanh của ông A. có chứa 52 thùng thuốc bảo vệ thực vật Tungcydan (2.080 chai), 120 chai thuốc trừ sâu Regell; 14.000 gói thuốc trừ sâu Regell; 1.300 gói thuốc trừ sâu Phizin; 73 chai thuốc trừ cỏ Q7; 22 chai thuốc diệt côn trùng (với tổng khối lượng khoảng 1.200 kg). Tổng trị giá lô hàng gần 200 triệu đồng. Toàn bộ số thuốc bảo vệ thực vật trên đều chứa các hoạt chất không được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Lực lượng chức tăng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông A. số tiền 42 triệu đồng.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm quy định pháp luật trong việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó xử lý hình sự, khởi tốt  1 vụ, 1 đối tượng , xử lý hành chính 7 vụ, buộc tiêu hủy trên 1.000 lít thuốc bảo vệ thực vật theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phát hiện 12 vụ, 12 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Thu giữ tang vật gồm 3.600 lít thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục, tổng trị giá hơn 455 triệu đồng; phát hiện 15 tấn phân bón giả; 2.959 sản phẩm là chai, gói thuốc trừ sâu, trừ cỏ các loại; 50 sản phẩm chai lọ, gói phân bón các loại. Tất cả các sản phẩm trên đều không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn góc xuất xứ...

Hiểm họa với sức khỏe, môi trường

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Quang Qúy, Đội phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vục vật tư, nông nghiệp cho biết, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong  danh mục được phép sử dụng  tràn lan sẽ gây tác hại, ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Một số loại  thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, từ vài tháng đến vài năm. Các hợp chất này tán phát trong môi trường có thể tích tụ sinh học và đạt đến ngưỡng độc hại làm mất sự đa dạng sinh học và hệ thống sinh thái, làm cho môi trường nước, không khí và đất ngày càng ô nhiễm. Đối với con người khi tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật hoặc thông qua thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật liên tục sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau như ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, khả năng sinh sản...Thậm chí một số hoạt chất trong các  loại thuốc bảo vệ thực vật được khuyến cáo là những thành phần chính của chất độc màu da cam...

Cần sự vào cuộc quyết liệt...  

Theo Thượng tá Tăng Ngọc Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Côn an tỉnh, với đặc thù là một tỉnh nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật của người dân trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn. Người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho tất cả các loại cây trồng từ rau, củ quả ngắn ngày đến cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay trên địa bàn  tỉnh có 400 cơ sở, đại lý kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế qua kiểm tra, có rất nhiều cơ sở vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, người dân không có kiến thức về các loại hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật, dẫn  đến việc sử dụng thuốc không đúng cách, sai liều lượng, tràn lan, không đảm bảo an toàn, hiệu quả....Để giảm thiểu những tác động của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe, môi trường, trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc, bảo đảm thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cấp phép, chứng chỉ hành ghề, quản lý thị trường đối với hoạt đông kinh doanh, buôn bán đến công tác quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, nhãn mác ... lực lượng công an sẽ tiếp tục tập trung đấu tranh quyết liệt đối với các hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, nhắm đến các đối tượng đầu nậu, sản xuất, nhập lậu để hạn chế thấp nhất lượng hàng hóa ngoài danh mục lưu thông trên thị trường, góp phần đấu tranh ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật  trong lĩnh vực kinh doanh,  buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Lực lượng công an kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Lực lượng Công an tiêu hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép lưu hành, sử dụng 

Bá Hiển