I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Trong bối cảnh tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, công tác điều tra hình sự đòi hỏi phải được tổ chức chặt chẽ, hiệu lực và hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người.
Trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi năm 2021) cùng với yêu cầu cấp thiết từ công cuộc cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức bộ máy, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) năm 2025 ra đời là một bước tiến quan trọng, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự - Yêu cầu tất yếu từ thực tiễn (Hình ảnh minh họa- nguồn Công an tỉnh Thái Bình)
1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Việc sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của Đảng và Nhà nước trong việc kiện toàn bộ máy, hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với tình hình mới.
- Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) và Kết luận 121-KL/TW (2025) yêu cầu tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là chủ trương không tổ chức Công an cấp huyện.
- Nghị quyết số 27-NQ/TW (2022) về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh cần hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra, đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp.
- Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định việc phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để xử lý các thay đổi trong tổ chức bộ máy Nhà nước.
2. Cơ sở thực tiễn
Sau 07 năm thi hành Luật năm 2015, mô hình tổ chức cơ quan điều tra có nhiều thay đổi. Việc bỏ cấp huyện trong hệ thống Công an, hợp nhất các đơn vị như Kiểm ngư - Thủy sản, Kiểm lâm - Lâm nghiệp đòi hỏi luật pháp phải điều chỉnh để phù hợp.
Thực tiễn áp dụng Luật 2015 phát sinh nhiều vướng mắc:
- Một số thẩm quyền điều tra chưa được quy định rõ;
- Thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan điều tra và các đơn vị có liên quan;
- Một số nội dung không còn phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Do đó, sửa đổi Luật là một yêu cầu khách quan, cấp bách nhằm khắc phục các bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác điều tra hiện nay.
II. MỤC ĐÍCH BAN HÀNH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích ban hành Luật
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra.
- Khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành luật cũ.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với tổ chức bộ máy nhà nước mới và các luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động điều tra hình sự.
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng luật
- Thể chế hóa quan điểm của Đảng, phù hợp Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập, chồng chéo.
- Phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tinh gọn bộ máy, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều tra.
- Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ
CHƯƠNG: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA CÔNG AN NHÂN DÂN
Gồm 4 điều (14 - 17), quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của:
· Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an: Điều tra tội phạm an ninh quốc gia, tư pháp, tham nhũng; chỉ đạo nghiệp vụ cho cấp tỉnh; sơ kết - tổng kết và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
· Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh: Giải quyết tội danh cụ thể liên quan an ninh quốc gia, các tội quy định theo BLHS và phối hợp với Bộ Công an.
· Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an: Điều tra các vụ phức tạp đa tỉnh, xuyên quốc gia; kiểm tra nghiệp vụ cấp tỉnh và xã.
· Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh: Xử lý các tội hình sự nghiêm trọng từ Chương XIV đến XXIV BLHS (trừ những tội thuộc thẩm quyền khác), kiểm tra công an cấp xã, tổng kết công tác.
CHƯƠNG: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CƠ QUAN ĐIỀU TRA TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Gồm 5 điều (18 - 22), quy định về:
· Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng và quân khu: Điều tra tội an ninh quốc gia, tham nhũng trong tư pháp; chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
· Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và quân khu: Xử lý các tội đặc biệt nghiêm trọng, xuyên quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển giao hồ sơ đúng thời hạn.
· Cơ quan điều tra hình sự khu vực: Xử lý tội ở cấp độ thấp hơn theo BLHS.
CHƯƠNG: CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA
Gồm 6 điều (23 - 28), quy định quyền điều tra hạn chế của:
· Bộ đội Biên phòng: Chỉ khởi tố, điều tra sơ bộ trong thời gian ngắn, sau đó chuyển hồ sơ.
· Hải quan: Xử lý tội buôn lậu (188, 189, 190 BLHS), có quyền khám xét, lấy lời khai, giám định.
· Kiểm lâm: Điều tra các tội phá rừng, vi phạm tài nguyên rừng.
· Kiểm ngư: Điều tra tội liên quan đến nguồn lợi thủy sản, trên biển.
· Các cơ quan Công an nhân dân khác: Như An ninh mạng, CSGT, Cảnh sát môi trường... được điều tra khi phát hiện tội phạm trong lĩnh vực chuyên môn.
· Các đơn vị trong Quân đội (Cảnh sát biển, Trại giam, Trung đoàn): Có thẩm quyền điều tra vụ việc trong phạm vi quản lý.
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi, đề xuất bỏ Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nguồn Thư viện pháp luật)
CHƯƠNG: PHÂN CÔNG - PHỐI HỢP TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA
Gồm 5 điều (29-33):
· Quan hệ giữa các cơ quan: Phân công - phối hợp rõ ràng; hồ sơ được chuyển đúng thẩm quyền; điều tra tạm thời nếu chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền.
· Uỷ thác điều tra: Cho phép giữa các cơ quan điều tra.
· Quan hệ điều tra - trinh sát: Gắn kết để trao đổi thông tin, phối hợp thu thập chứng cứ, phòng ngừa tội phạm.
· Trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội: Bảo đảm cơ sở, nhân lực, chỉ đạo -phối hợp.
· Trách nhiệm Công an xã/phường: Tiếp nhận ban đầu tố giác, chuyển hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền.
CHƯƠNG: THỦ TRƯỞNG, PHÓ THỦ TRƯỞNG, ĐIỀU TRA VIÊN VÀ CÁN BỘ ĐIỀU TRA
Gồm các điều (34 - 43):
· Điều tra viên: Gồm 3 ngạch: sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Có tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ, nghiệp vụ.
· Bổ nhiệm, miễn nhiệm: Do Bộ Công an/Quốc phòng thực hiện.
· Nhiệm vụ, quyền hạn: Thực hiện hoạt động điều tra theo phân công; chịu trách nhiệm cá nhân.
· Những việc không được làm: Như can thiệp trái luật, đưa hồ sơ ra ngoài, gặp gỡ trái phép...
· Cán bộ điều tra: Được bổ nhiệm để hỗ trợ điều tra viên, có quyền hạn nhất định.
CHƯƠNG: BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ
Gồm các điều (44 - 47):
· Chính sách đãi ngộ: Có chế độ lương, phụ cấp, thăng hàm, khen thưởng – đền bù rõ ràng.
· Đào tạo - biên chế: Nhà nước bảo đảm đủ lực lượng và đào tạo nghiệp vụ.
· Cơ sở vật chất: Ưu tiên vùng sâu, biên giới, đảo xa. Điều tra viên được huy động phương tiện trong tình huống khẩn cấp.
· Kinh phí điều tra: Do Nhà nước bảo đảm; phải sử dụng đúng quy định.
IV. CÁC ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT SỬA ĐỔI NĂM 2025
1. Sắp xếp lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng tinh gọn, hiện đại
Bỏ Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện để phù hợp với mô hình tổ chức mới của Công an nhân dân (chỉ còn cấp tỉnh và trung ương).
Các cơ quan như Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải quan… được tổ chức lại để đồng bộ với việc sáp nhập, tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà nước.
2. Bỏ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Một thay đổi lớn, thể hiện rõ chủ trương phân định chức năng rõ ràng giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp: điều tra - truy tố - xét xử.
3. Bổ sung chức năng điều tra cho các đơn vị mới
Như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Chi cục Hải quan khu vực, Cục Thủy sản và Kiểm ngư... nhằm thích ứng với tội phạm công nghệ, xuyên quốc gia, môi trường, an ninh phi truyền thống.
4. Làm rõ hơn về cơ chế giám sát hoạt động điều tra
Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - đảm bảo điều tra không bị lạm quyền.
5. Bổ sung, mở rộng nội dung về quyền con người trong điều tra
Bổ sung hành vi nghiêm cấm mới: làm sai lệch hồ sơ nguồn tin về tội phạm.
Bảo đảm quyền được bào chữa, quyền không bị tra tấn, quyền được bồi thường và phục hồi danh dự.
V. CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC DƯ LUẬN XÃ HỘI QUAN TÂM
1. Ngăn chặn oan sai, lạm quyền điều tra
Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc điều tra khách quan, đúng người, đúng tội, không gây oan sai - đây là lý do Luật nhấn mạnh sự kiểm soát quyền lực và tăng cường giám sát xã hội.
2. Cải cách mô hình điều tra phù hợp xu thế hiện đại
Việc bỏ cấp huyện, tổ chức lực lượng theo 2 cấp là thay đổi lớn, giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và tránh chồng chéo trong xử lý vụ án.
3. Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao
Việc bổ sung chức năng điều tra cho các lực lượng chuyên trách công nghệ thể hiện sự nhanh nhạy của Nhà nước trước nguy cơ tội phạm mạng, lừa đảo xuyên biên giới.
4. Sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan điều tra
Luật quy định rõ hơn nghĩa vụ trả lời tố giác, kiến nghị của công dân; điều này giúp tăng lòng tin của nhân dân vào công lý và pháp luật.
VI. Ý NGHĨA CỦA LUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Khắc phục những bất cập, chồng chéo, lỗ hổng trong tổ chức điều tra hình sự.
Phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và chủ trương xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Là công cụ pháp lý bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phòng chống lạm quyền hiệu quả.
Là căn cứ để các cơ quan tổ chức lại bộ máy theo đúng định hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
VII. KÊU GỌI HƯỞNG ỨNG VÀ THỰC THI LUẬT
Kính thưa toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) là kết tinh của trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn và khát vọng xây dựng một nền tư pháp công bằng, trong sạch, hiện đại, phụng sự nhân dân.
Chúng ta cần:
- Tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ trong từng khu dân cư, tổ chức, đơn vị;
- Nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ thực thi công vụ và Nhân dân;
- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật;
- Góp phần xây dựng môi trường xã hội công bằng, kỷ cương và thượng tôn pháp luật.