Với tâm lý ngại thủ tục hành chính, mong muốn nhanh, không tốn công đi lại và chi phí không quá cao, nhiều người đã chấp nhận sử dụng dịch vụ làm hộ hộ chiếu qua mạng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi là không ít những rủi ro rình rập như: mất thông tin cá nhân, bị nhận hộ chiếu giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nở rộ dịch vụ làm hộ chiếu online
Ngày 1/6/2022, Bộ Công an đã triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến (gắp chip điện tử và không gắn chip điện tử) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến này có rất nhiều thuận lợi cho người dân, với điều kiện chỉ cần có thiết bị kết nối mạng Internet như máy tính xách tay, điện thoại thông minh…
Hình ảnh mà “cò” làm hộ chiếu đăng tải lên mạng xã hội để lấy lòng tin của khách hàng
Tuy nhiên, nhiều người vì ngại tìm hiểu các thủ tục nên đã tìm đến dịch vụ làm hộ chiếu nhanh. Khi kết nối với khách hàng, các đối tượng đề nghị người dân để được cấp hộ chiếu nhanh thì yêu cầu cung cấp ảnh chân dung, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, email, địa chỉ (thường trú và tạm trú), số tài khoản ngân hàng, mã OTP…
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “dịch vụ làm hộ chiếu” có thể ra hàng nghìn kết quả. Đáng chú ý, trên mạng xã hội Facebook, tràn lan các hội nhóm làm hộ chiếu, xin visa, đặc biệt là thu hút rất nhiều thành viên tham gia. Như nhóm “Dịch vụ làm hộ chiếu siêu nhanh toàn quốc” (hơn 20 nghìn thành viên); “Kinh nghiệm làm hộ chiếu, visa” (15 nghìn thành viên); “Hộ chiếu, visa online toàn quốc” (hơn 8 nghìn thành viên)…
Để tìm hiểu thực hư dịch vụ này, phóng viên tham gia vào nhóm “Hộ chiếu, visa online toàn quốc”. Tại nhóm này các thành viên hoạt động rất tích cực, liên tục là những trạng thái quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu, visa của “cò”, với lời mời chào hấp dẫn như: “Khách hàng chỉ cần chụp ảnh chân dung, còn lại để chúng tôi lo”; “Đảm bảo nhanh, không phiền hà và giao tận nhà”; “Giá rẻ, nhanh chóng, an toàn”….
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt giữ các đối tượng trong đường dây làm hộ chiếu giả qua mạng Internet tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu
Khi chúng tôi đăng tải trạng thái có nhu cầu làm visa để đi du lịch Thái Lan, ngay lập tức có hàng chục “cò” nhắn tin để mời chào. Một tài khoản có tên “Ngô Quế” cho biết: “Nếu đi Thái Lan du lịch chị chỉ cần làm hộ chiếu thường thôi, thời gian làm từ 7-12 ngày, giá cho mỗi hộ chiếu là 300 nghìn đồng”. Khi phóng viên hỏi về thủ tục, người này cho biết: “Chị gửi file ảnh chân dung 4x6 nền trắng, ảnh hai mặt căn cước công dân, cần định danh điện tử VNEID mức 1 hoặc mức 2, mật khẩu VNEID…”.
Tương tự một tài khoản khác có tên “Linh Phạm” cũng nhắn tin cho chúng tôi để xin làm visa. Ngay sau khi nhắn tin, “cò” này muốn xin số điện thoại của phóng viên để trao đổi cụ thể. Theo như lời người này, nếu làm theo đúng luật thì khoảng 7-12 ngày là lấy được, giá giao động từ 300-500 nghìn đồng. Còn nếu làm siêu tốc chỉ trong 3 ngày thì giá khoảng 1,5 triệu đồng. “Nếu như chị cần gấp thì bên em sẽ cố gắng hỗ trợ làm nhanh nhất có thể, khoảng 3 ngày là có. Tuy nhiên chi phí cho gói siêu tốc là khoảng 1,5 triệu đồng, vì bọn em còn phải làm luật”, tài khoản “Linh Phạm” cho biết.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, đã không ít người bị lừa đảo khi sử dụng gói siêu tốc. Như trường hợp của anh Lê Phong Doanh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), vào khoảng tháng 5/2024, anh Doanh đang ở nước ngoài muốn tìm dịch vụ hỗ trợ làm hộ chiếu cho con trai sang có việc gấp. Anh có lên mạng xã hội tìm dịch vụ siêu tốc. Sau khi đăng bài lên nhóm trên Facebook, anh nhận được hàng loạt bình luận hỗ trợ, với giá vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo thời gian nhận mong muốn. Trong số đó, bình luận từ một tài khoản khiến anh chú ý, khi người này nói “làm trước chuyển tiền sau”. Với mong muốn nhận hộ chiếu sau 3 ngày, giá đưa ra là 1,5 triệu đồng, kèm các thông tin như ảnh thẻ, giấy khai sinh, số điện thoại.
Anh Doanh kể lại: “Sau vài ngày, họ gửi cho tôi ảnh chụp hộ chiếu đã làm xong và đề nghị chuyển tiền để họ giao hàng sớm. Nhìn thấy hộ chiếu nên tôi đã tin tưởng chuyển tiền và số điện thoại, địa chỉ người nhận. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền tôi đã bị chặn mọi liên lạc. Khi vào trang web dịch vụ công để tự làm, tôi mới biết con trai mình vẫn chưa có hộ chiếu. Hóa ra ảnh họ gửi cho tôi là giả, tin nhắn cũng đã bị thu hồi nên không thể kiểm tra được”.
Nhiều người đã phải ngậm trái đắng khi sử dụng dịch vụ làm hộ chiếu online
Anh Nguyễn Văn Hùng (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi tin dùng dịch vụ làm hộ chiếu trên mạng xã hội. Do có nhu cầu đi du lịch Hàn Quốc, nhân tiện thăm con trai đang du học. Vì không hiểu biết, lại muốn nhanh nên đã tìm đến dịch vụ trên mạng. Sau khi tìm đến các hội nhóm làm hộ chiếu, anh Hùng đã nhận được cuộc điện thoại tự xưng là chuyên làm hộ chiếu tại khu vực Hà Nội.
Anh Hùng kể: “Tôi thấy họ quảng cáo rất hay, họ có thể làm nhanh trong vòng 3-5 ngày chi phí khoảng 1 triệu đồng. Tôi muốn chắc chắn nên bảo họ là khi nào nhận hộ chiếu tận tay mới thanh toán, họ cũng đồng ý. Quả đúng như lời họ nói, khoảng 5 ngày sau tôi nhận được hộ chiếu, do một anh shipper gửi đến. Chuẩn bị đến ngày bay thì một người bạn của tôi có xem hộ chiếu và nói là không được thật? Sau khi kiểm tra trên hệ thống thì đúng là tôi chưa có hộ chiếu, như vậy hộ chiếu của tôi là giả. Ngay sau đó tôi liên lạc lại người làm thì không liên lạc được, lên Facebook tìm thì cũng không thấy tài khoản này đâu nữa”.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Sau khi nhận được những phản ánh của người dân về tình trạng lừa đảo của những đối tượng “cò” làm hộ chiếu. Cơ quan công an đã liên tục đưa ra khuyến cáo đối với người dân. Việc các đối tượng xấu lợi dụng sự kém hiểu biết công nghệ của một bộ phận người dân, nhất là các thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói chung, làm hộ chiếu online nói riêng khiến mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm “cò mồi” làm hộ chiếu nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân người dùng.
Không khó khăn gì để tìm được những người làm dịch vụ hộ chiếu online
Tháng 6/2024, Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo qua hình thức “làm hộ hộ chiếu online”. “Lợi dụng bộ phận người dân chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, muốn làm dịch vụ cho nhanh nên trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm “cò mồi” đăng tải các bài viết “làm hộ” hộ chiếu như “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh”; “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội”; “Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam”... Mức chi phí phải trả cho những “dịch vụ nhanh” này cao hơn nhiều so với lệ phí theo quy định của Nhà nước (cụ thể là 550.000- 700.000 đồng/hộ chiếu tùy yêu cầu phải ship tận nhà hay không)”, đại diện Công an Hà Nội cho hay.
Đáng lo ngại hơn, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã nhân cơ hội này đánh cắp thông tin cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID... Để rồi, từ các tài khoản giả mạo này các đối tượng tiếp tục lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo, thời gian vừa qua, lợi dụng tình trạng người dân chưa biết hoặc ngại làm hồ sơ làm hộ chiếu online, tình trạng lừa đảo liên quan đã gia tăng.
Một thủ đoạn khác cũng được Cục ghi nhận là các nhóm lừa đảo sẽ điền số điện thoại liên hệ là số của chúng, đồng thời cố tình khai báo sai thông tin trong tờ đề nghị cấp hộ chiếu. Việc này cản trở cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, từ đó kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân. Thông qua số điện thoại, chúng có thể nắm bắt nội dung cần bổ sung hồ sơ. Trong khi đó, người dân không được nhận hộ chiếu, khi liên hệ cơ quan chức năng mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý. Ngoài ra khi gửi tiền và thông tin cho kẻ gian, người dùng có nguy cơ mất tiền, bị đánh cắp thông tin và gặp rắc rối khi làm dịch vụ công.
Thông tin bị đánh cắp có thể bị sử dụng cho những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID.
Việc sử dụng dịch vụ làm hộ hộ chiếu trên mạng xã hội không chỉ khiến người dân có nguy cơ bị lừa đảo, mất thông tin cá nhân mà còn nhận về hộ chiếu giả. Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá thành công đường dây hoạt động sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, hộ chiếu giả qua mạng Internet. Lực lượng công an đồng loạt khám xét 7 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ 6 đối tượng.
Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, do Nguyễn Ngọc Hiệp, (sinh năm 1989, trú tại quận 12) và Nguyễn Ngọc Thuận (sinh năm 1994, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu. Về thủ đoạn, các đối tượng đã tạo lập fanpage “Chuyên làm cavet” rồi ghi số điện thoại để quảng cáo nhận làm nhiều loại bằng cấp, giấy tờ giả như: hộ chiếu, bằng lái xe, đăng ký xe, bằng đại học… Khi khách có nhu cầu thì liên hệ với các đối tượng để đặt hàng.
Sau khi nhận được đơn hàng từ khách, các đối tượng điều hành chia sẻ lên nhóm Zalo chung để từng cá nhân biết thuộc mảng người nào thì nhận làm. Sau khi làm xong các loại chứng chỉ, giấy tờ giả, bọn chúng sẽ gửi hàng qua đơn vị vận chuyển công nghệ, khách phải thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng được mở bằng CMND giả hoặc thu tiền qua đơn vị vận chuyển. Nhóm đối tượng còn tinh vi hơn khi chỉ giao hàng qua hệ thống chân rết, đại lý các tỉnh hoặc những người quen biết để tránh bị phát hiện.
Ngày 20/12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can Lê Trần Thiện Đức (33 tuổi) và Trịnh Trúc Mai (23 tuổi, cùng trú tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Qua khám xét, lực lượng công an phát hiện, thu giữ 17 loại tài liệu, gồm 81 giấy tờ giả các loại (căn cước công dân, hộ chiếu, thị thực, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe…) cùng nhiều công cụ và phương tiện dùng để làm tài liệu giả. Tại cơ quan công an, Đức khai nhận bản thân bắt đầu làm giả giấy tờ từ tháng 11/2022. Đến khoảng tháng 7/2023, Đức thuê Trịnh Trúc Mai (với mức lương 4 triệu đồng/tháng) để làm các công việc như: ghép thông tin, hình ảnh khách hàng cùng con dấu, chữ ký lên phôi mẫu.