Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin không chính xác về việc nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản ngân hàng gây hoang mang dư luận.
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.
Công an đã nhận diện và chỉ ra 20 chiêu thức lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Facebook, TikTok lan truyền thông tin bị mất sạch tiền sau khi nhận cuộc gọi từ “FlashAI”, các chia sẻ thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ trên mạng xã hội. Theo những người đăng bài, khi có cuộc gọi từ một số có tên “FlashAI”, người dùng chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản, nhưng các chuyên gia nói đây chỉ là tin giả.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, cũng cho biết chưa từng ghi nhận giải pháp công nghệ cao nào có khả năng xâm nhập vào di động của người dùng qua một cuộc gọi tại Việt Nam.
“Trên thực tế vẫn có hình thức tấn công qua số điện thoại, lợi dụng lỗ hổng hệ thống hoặc bảo mật chip để cài phần mềm gián điệp. Tuy nhiên, giải pháp đó khó thực hiện qua cuộc gọi mạng di động, đồng thời yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp để có thể thực hiện thành công”, ông Sơn nói.
Về đầu số FlashAI, ông cho biết đây là dạng brandname (tên thương hiệu) được đăng ký với nhà mạng. Ngoài ra, kẻ gian cũng có thể sử dụng các trạm BTS giả mạo đầu số doanh nghiệp. “Tuy nhiên, các máy BTS bị phát hiện tại Việt Nam chỉ để gửi tin nhắn, chưa làm giả cuộc gọi”, ông Sơn nói. “Ngoài ra, không loại trừ cuộc gọi FlashAI không có thật, được dựng lên chỉ để lan truyền tin giả, câu view”.
Tin giả về việc mất tiền khi nghe điện đã xuất hiện từ vài năm nay. Cuối 2021, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông từng khuyến cáo người dùng không nên hoang mang trước những thông tin này.
“Tại Việt Nam, không có dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền. Việc gọi lại hoặc thao tác bấm số rồi bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản là không hề có cơ sở. Không thể xâm nhập được sim điện thoại của người dùng dù thực hiện thao tác như trên”, Cục Viễn thông thông báo khi đó.
Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), người dùng không nên nhấp (click) vào bất kỳ đường link lạ qua tin nhắn hay qua cuộc gọi, không cung cấp mật khẩu và mã OTP và luôn nên “chậm lại, kiểm chứng, xác thực mọi thông tin”.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần cảnh báo vấn nạn tin giả xuất hiện trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những vi phạm của TikTok, Facebook, YouTube được chỉ ra tại cuộc họp của Bộ hôm 06/4/2023. Ngoài việc xử lý nền tảng, nhưng người đăng tải và lan truyền tin giả cũng sẽ bị xử phạt.
Cổng không gian mạng quốc gia cũng khẳng định tất cả thông tin sau đây là Giả mạo và Tin giả: không có chuyện chỉ nghe cuộc gọi (hoặc thậm chí là có nhấn phím 1 hay 2 hay 3 gì đó...) là bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, hay mất dữ liệu trên máy. Trong trường hợp, nếu bạn gọi lại hoặc thao tác theo hướng dẫn (bấm phím số 1, 2…) có thể sẽ bị trừ cước viễn thông.
Việc mất dữ liệu cá nhân, danh bạ, thẻ ngân hàng có thể xảy ra trên không gian mạng trong trường hợp kẻ gian gửi kèm một liên kết lừa đảo, dẫn dụ người dùng nhấp vào có thể bị dính phần mềm độc hại hoặc bị chuyển hướng đến các trang web lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần phải cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể nhận biết đâu là tin không chính xác, tin giả, tránh lan truyền những thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.