Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc. Kế hoạch phản gián CM12 là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc và tự hào của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Kế hoạch CM12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và lực lượng đấu tranh. Chiến thắng Kế hoạch phản gián CM12 là một dấu mốc quan trọng, là một trong những chiến công hào hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong chiến thắng hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng CAND Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng CAND; trong đó, chủ công là lực lượng An ninh nhân dân.
Kế hoạch CM12 được thực hiện trong từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984. Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Kế hoạch do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an chỉ đạo, đặt tên. Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch là bọn gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, hai đối tượng cầm đầu tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Ảnh: CAND
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đất nước phải đương đầu muôn vàn khó khăn, cùng với việc bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, việc bảo vệ thành quả cách mạng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tổ chức phản động trong và ngoài nước ra đời, đẩy mạnh thực hiện âm mưu phá hoại nhà nước, lật đổ nền chính trị tại Việt Nam. Trong số các tổ chức phản động mới ra đời, tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu được nhiều cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo và hỗ trợ vật chất, trang bị vũ khí, xây dựng căn cứ, huấn luyện biệt kích.... Mục đích của chúng là tung bọn gián điệp biệt kích cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh xâm nhập về nước hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền Việt Nam còn non trẻ.
Cuối năm 1980, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tung toán gián điệp. biệt kích đầu tiên với tên gọi “Minh Vương I” gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ qua Campuchia vào tỉnh An Giang, Việt Nam. Tuy nhiên, toán này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó có 01 tên bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác.
Ban Chuyên án CM 12 nhận định nhiều khả năng bọn phản động sẽ không từ bỏ âm mưu nhưng sẽ thay đổi hướng xâm nhập bằng cách đi đường biển vào các tỉnh phía Nam. Dựa trên những thông tin mà các đối tượng chuyển về căn cứ theo chỉ đạo của Ban Chuyên án CM12, các đối tượng Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tiếp tục chỉ đạo lập kế hoạch “Minh Vương 2” và không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển vào Việt Nam. Bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo, tài tình, Ban Chuyên án CM12 đã xây dựng, chuẩn bị thế trận “đón” địch, dùng người, phương tiện của địch để “câu, nhử” địch, mục đích bắt gọn số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện, hàng hóa, vũ khí địch mang vào đất liền. Ban Chuyên án đã lựa chọn những cán bộ công an bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông địa hình, dũng cảm, mưu trí bố trí xâm nhập vào tổ chức địch (đồng chí Trần Phương Thế - tên thường gọi là Tám Thậm, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ,....).
Được sự hỗ trợ. giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân cùng với triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch có liên quan, từ ngày 09/9/1981 đến ngày 09/9/1984, lực lượng Công an đã đón lõng được 18 chuyển xâm nhập của tổ chức do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Mỗi chuyến xâm nhập, chúng mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích... Đặc biệt, với vai trò chỉ huy, cầm đầu, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra kho tang, “mật cứ”, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng mà không biết rằng tất cả đã nằm trong sự tính toán và kế hoạch của lực lượng CAND Việt Nam. Đến ngày 09/9/1984, khi hai con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam, Ban Chuyên án đã quyết định bắt giữ toàn bộ tài liệu, tang vật cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Như vậy, hầu hết số gián điệp, biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đã được trang bị, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng vào đêm 9/9/1984 tại địa điểm Hòn Đá Bạc.
Kết thúc chuyên án sau hơn 3 năm (từ năm 1981 đến ngày 9/9/1984), Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng CAND Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Lực lượng An ninh Việt Nam đã tổ chức, đón bắt 18 chuyển xâm nhập, 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hỏng gây bạo loạn. lật đổ. . . Qua thực hiện Kế hoạch CM12. lực lượng an ninh còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc lực lượng CAND với nhiều phần thưởng cao quý khác. Để ghi lại dấn ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, địa danh này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Nơi đây có Nhà truyền thống, Tượng đài chiến thắng CM12, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND.
Khu Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tư liệu
Kế hoạch CM 12 là một chiến công lừng lẫy trong những chiến công của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng An ninh nói riêng trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Phản gián trong cuộc đấu mưu, đấu trí với bọn gián điệp, biệt kích, tổ chức phản động lưu vong của Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị. làm thất bại âm mưu, ý đồ thâm độc, xảo quyệt của địch, có ý nghĩa mang tầm chiến lược và có giá trị lịch sử rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia.
Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Thành công của Kế hoạch CM12 là một trong những chuyên án điển hình, có ý nghĩa to lớn, mang tâm chiến lược, không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia; là đòn tấn công quyết định làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, thắng lợi của Kế hoạch CM12 là bài học lớn, là mốc son chói lọi để thế hệ trẻ phải nhắc nhớ và không bao giờ quên truyền thống vệ quốc vĩ đại của lớp lớp cha anh đi trước”.