Các quy định về an toàn giao thông (ATGT) nói chung, xử lý vi phạm nồng độ cồn nói riêng, được ví như “tấm khiên” bảo vệ hạnh phúc cho mọi nhà.
Phạt nặng người vi phạm
Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Sau Nghị định 100, ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100. Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Lực lượng chức năng ở Đắk Nông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện một cách liên tục, mọi lúc, mọi nơi
Nghị định số 123 tăng mức phạt về vi phạm ATGT so với Nghị định số 100. Cụ thể, người điều khiển phương tiện giao thông nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền trong khoảng từ 30 - 40 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian từ 22 - 24 tháng.
Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông đã căn cứ để xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Dù mức phạt cao và sự vào cuộc nghiêm khắc của lực lượng CSGT, nhưng Nhân dân vẫn rất đồng tình, ủng hộ…
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông, năm 2023, lực lượng CSGT Đắk Nông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 5.100 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, trong đó chủ yếu là ô tô và xe máy, với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng
Anh N.T.L, trú tại TP. Gia Nghĩa cho biết, nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân tài xế điều khiển phương tiện sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn như bia, rượu...
Rất nhiều người vợ đã mất chồng, con mất cha chỉ vì một vài cốc bia, chén rượu. Do đó, tôi rất ủng hộ việc xử phạt thật nặng những người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
CSGT Đắk Nông kiểm tra nồng độ cồn một tài xế xe ô tô
Còn theo anh L.T.B, trú ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cho rằng việc sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen của không ít người, cùng với đó là việc nhiều người hay ép nhau uống rượu.
“Vui đâu chưa thấy nhưng “rượu vào lời ra”, uống nhiều rượu, bia thường dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, nhất là sau khi sử dụng bia, rượu lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì rất dễ xảy ra tai nạn.
Trước đây, tình trạng này chưa được kiểm soát tốt là do chế tài xử lý chưa thực sự mang tính răn đe. "Tôi nghĩ, việc nâng mức phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm về nồng độ cồn là hoàn toàn hợp lý nên đồng tình ủng hộ", bà B cho biết.
Bảo vệ tính mạng người dân
Với việc nâng mức xử phạt về nồng độ cồn cho thấy mức độ nguy hiểm của việc lái xe dưới tác động của cồn. Chính vì vậy mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền cho người dân, qua đó bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo Ban ATGT tỉnh, người điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, nhất là TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, mất nhiều tiền của để khắc phục.
Không chỉ vậy, người lái xe có nồng độ cồn còn thường chống đối lực lượng chức năng, gây mất ANTT. Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 51 vụ chống lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang thi hành công vụ, làm 21 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Trong số đó, có 20 vụ liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (chiếm 39,21%). Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2023 cũng đã có 3 vụ chống người thi hành công vụ khi điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn.
Nhận thức rõ tác hại của vấn đề trên, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an đã có nhiều văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương, lực lượng công an các cấp mạnh tay với vi phạm về ATGT, nhất là nồng độ cồn.
Thực hiện chỉ đạo, ban ATGT các tỉnh, thành phố hàng năm đều xây dựng kế hoạch ngăn chặn, giảm thiểu TNGT, nhất là việc xử lý nồng độ cồn. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, TNGT hàng năm giảm, trong đó có nồng độ cồn.
Đáng chú ý, ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Đ.H: Nguyễn Hiền
Tại tỉnh Đắk Nông, từ năm 2020 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh liên tục thực hiện việc tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đồng thời, tỉnh thường xuyên kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy.
Có thời điểm Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, công an xã lập 22 tổ công tác, với 4.132 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của lực lượng CSGT mà số vụ TNGT hàng năm ở Đắk Nông đều giảm cả 3 tiêu chí. Tính đến hết năm 2023, Đắk Nông là một trong số ít địa phương có số vụ TNGT giảm liên tiếp trong 11 năm liên tục.
Trong năm 2023, Đắk Nông xảy ra 125 vụ TNGT, làm 83 người chết, 67 người bị thương, hư hỏng 145 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 18 vụ (125/143 vụ); giảm 16 người chết (82/98 người); số người bị thương giảm 18 người (68/86 người).
Trong năm 2023, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự ATGT 26.404 trường hợp; xử phạt 20.136 trường hợp, với số tiền gần 55 tỷ đồng.
Riêng về nồng độ cồn, lực lượng công an toàn tỉnh đã xử lý trên 5.100 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt số tiền trên 10 tỷ đồng.
Việc xử lý nồng độ cồn ở Đắk Nông là không có ngoại lệ
Theo Thượng tá Phạm Quốc Lập, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an, của tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không can thiệp, không có vùng cấm, không ngoại lệ”.
Nếu như trước đây, trong quá trình xử lý, nhiều người lợi dụng sự quen biết, có chức vụ… can thiệp vào quá trình xử lý của CSGT thì tình trạng đó đã bị dẹp bỏ.
Trong số trên 5.100 trường hợp bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong năm 2023, nhiều trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thậm chí là chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh.
Để thực hiện nghiêm việc xử lý “không can thiệp, không có vùng cấm, không ngoại lệ”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần thành lập các tổ công tác đặc biệt để “kiểm tra chéo” trong xử lý vi phạm giao thông.
Mới đây nhất, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã ký quyết định thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở tất cả các địa bàn trong tỉnh bắt đầu từ ngày 1/4/2024.
Hai tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Đắk Nông gồm 18 đồng chí thuộc các đơn vị như: CSGT; công tác đảng và công tác chính trị; thanh tra công an tỉnh, cảnh sát cơ động...
Hai tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung xử lý đối với người điều khiển xe mô tô, ô tô con, ô tô tải, ô tô khách… tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường trung tâm huyện, thành phố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tổ công tác đặc biệt sẽ thường xuyên thay đổi tuyến, địa bàn tuần tra. Các tổ kiên quyết xử lý nghiêm minh, tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm.
Công an tỉnh nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ, người có chức vụ can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải được thực hiện quyết liệt, nhằm hình thành thói quen, văn hóa giao thông “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
Với tinh thần quyết liệt, 2 tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Đắk Nông đã bố trí 62 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, kết hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống đua xe trái phép trên các tuyến đường tại TP. Gia Nghĩa và 2 huyện Cư Jút, Đắk Mil. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Tổ công tác đặc biệt kiểm tra một trường hợp lưu thông trên địa bàn TP. Gia Nghĩa
Dù mới thành lập, nhưng các tổ đặc biệt đã xử lý 45 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (11 trường hợp là ô tô, 34 trường hợp là mô tô); 1 trường hợp điều khiển xe ô tô con mà trong người có chất ma túy. Trong số các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn có 2 trường hợp là cán bộ cơ quan Nhà nước.
Thay đổi nhận thức
Theo Ban ATGT tỉnh, qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh 3 năm gần đây, số vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia giảm nhiều so với trước đây. Trong số 125 vụ TNGT năm 2023, chỉ có 3 vụ có nguyên nhân từ rượu, bia.
Điều đó cho thấy ý thức người tham gia giao thông “Đã uống rượu bia, không lái xe” đã được nâng lên. Cũng theo Ban ATGT tỉnh, thông qua các buổi phối hợp tập huấn, tuyên truyền về ATGT thì hầu hết người dân đều đồng thuận với “chiến dịch” xử lý nồng độ cồn của cơ quan chức năng.
Nhiều người dân đã dần thay đổi thói quen lái xe sau khi đã uống rượu bia, nếu có việc phải tiếp khách, hội hè thì nhờ người không uống lái hoặc đi các phương tiện công cộng, dịch vụ.
Trung tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, tương tự như quy định việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, hiện nay việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đã đi vào nền nếp.
Đáng phấn khởi là trong quá trình xử lý vi phạm về giao thông nói chung và nồng độ cồn nói riêng, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đã không còn gặp tình trạng nhờ vả, xin xỏ bỏ qua vi phạm.
Thay vào đó, phần lớn người vi phạm đã nhận thức được hành vi của mình để rút kinh nghiệm, không tái phạm. "Mong rằng người dân ngày càng nâng cao ý thức chấp hành để bảo vệ bản thân và cho người khác khi tham gia giao thông", Trung tá Đức chia sẻ.