Những năm gần đây, tình trạng trồng cây cần sa và tàng trữ cây cần sa trái phép có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Đắk Song. Trước tình trạng trên, lực lượng Công an huyện Đắk Song đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hành vi này.
Liên tiếp phát hiện các vụ trồng, tàng trữ cây cần sa
Chỉ trong 06 tháng đầu năm 2023, Công an huyện Đắk Song đã phát hiện, đấu tranh triệt phá 04 vụ 09 đối tượng trong đó 02 vụ trồng cây cần sa 05 đối tượng; 02 vụ tàng trữ trái phép cần sa 04 đối tượng, tăng 02 vụ 05 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình vào ngày 17/1/2023, qua công tác truy bắt đối tượng truy nã Công an huyện Đắk Song đã bắt quả tang đối tượng Bùi Văn Huyên (Sinh năm 1986; trú xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang có hành vi trồng, chăm sóc 3.333 cây Cần sa tại khu vực rẫy thuộc thôn Hà Nam Ninh, xã Đắk Mol, huyện Đắk Song. Trước đó đối tượng Bùi Văn Huyên đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song truy nã về tội trồng 2.613 cây cần sa tại khu vực thôn 10, xã Nam Bình, Đắk Song. Tiếp đó vào ngày 08/6/2023, Công an huyện Đắk Song đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Doanh (Sinh năm 1985; trú tổ 8, thị trấn Đức An, Đắk Song) đang có hành vi tàng trữ trái phép 03 rổ nhựa và 01 mâm tròn kim loại đựng 10kg hoa, lá của cây cần sa đã phơi khô. Tiến hành khám xét phát hiện Doanh chăm sóc 244 cây cần sa trong các chậu đen phía sau nhà của Doanh tại khu vực thôn 11, xã Nam Bình, Đắk Song.
Tang vật cây cần sa trồng trái phép trên địa bàn huyện Đắk Song
Cần tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của cần sa
Qua công tác đấu tranh với loại tội phạm này, Công an huyện Đắk Song cho biết: Vì mang đến lợi nhuận cao, dễ tiếp cận với xu hướng của giới trẻ hiện nay nên việc trồng cây cần sa đang là “điểm nóng” và khiến cho tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng. Đặc biệt đối với địa bàn huyện Đắk Song, địa hình các địa bàn trải rộng, xa xôi, hiểm trở, ít người qua lại, trình độ dân trí của một số người dân một số nơi còn thấp, mơ hồ về ma túy và tác hại của ma túy, đặc biệt là các trường hợp tin vào lời đồn cây cần sa là thảo dược có tác dụng phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm nên lén lút trồng với số lượng lớn tại nương rẫy xa khu dân cư, trồng xen với cây cà phê, cây tiêu, trồng ở nơi ít người qua lại ... gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện sớm. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền tuy đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức song vẫn còn chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tiếp cận đầy đủ các đối tượng được tuyên truyền, giáo dục dẫn đến một số đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ những người dân trồng cây cần sa để phòng ngừa bệnh tật cho đàn vật nuôi, nhưng thực chất lại làm đầu mối sản xuất cho chúng...
Theo thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song, để tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung, trồng cây cần sa nói riêng, lực lượng Công an huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác, tấn công trấn áp mạnh tội phạm này. Tuy nhiên, để từng bước đẩy lùi tội phạm về tệ nạn ma túy nói chung và trồng cây cần sa nói riêng, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, cùng với việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm giữa gia đình và cộng đồng, đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật để người dân nhận biết được tác hại của cây cần sa, nâng cao cảnh giác, khi có dấu hiệu xuất hiện bất thường của người lạ dụ dỗ trồng các loại cây chưa rõ nguồn gốc thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng biết để có hướng xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chế tài xử lý hành vi trồng, tàng trữ cây cần sa rất nghiêm minh
Theo quy định của pháp luật, tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính quy định mức phạt 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, coca và các loại cây khác có chứa chất ma túy. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 8 Điều 23 nghị định này. Đối với trường hợp người vi phạm là người nước ngoài, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo điểm d, khoản 8 Điều 23. Đối với người vi phạm được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc trồng cần sa có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người phạm tội có tổ chức, hoặc trồng trên 3.000 cây trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Ngoài các hình phạt trên, khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.Trường hợp người phạm tội tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Công an huyện Đắk Song khuyến cáo người dân nói không với việc trồng cần sa với bất kỳ mục đích nào, không để kẻ gian lợi dụng, dụ dỗ trồng cần sa.