Đắk Nông: Chung tay ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tự chế tạo pháo nổ dịp Tết

01/2/2024, 19:51:51
In trang

Mặc dù lực lượng Công an đã và đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết với tội phạm và vi phạm về pháo cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nhưng cứ đến dịp Tết Nguyên đán, không ít thiếu niên, học sinh lại lén lút lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo rồi mua các vật dụng về tự chế thành pháo nổ. Nhiều chế tạo, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ đã bị bắt xử lý; nhiều vụ tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế đã xảy ra, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh giới trẻ.
Phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Chỉ tính riêng trong hơn 1 tháng thực hiện đợt cao điểm, lực lượng Công an Đắk Nông đã liên tiếp đấu tranh, triệt phá hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép, thu giữ gần 1 tấn pháo nổ, pháo hoa nổ các loại, trong đó có nhiều vụ thanh thiếu niên, học sinh tự chế tạo pháo để bán và sử dụng trái phép trong dịp Tết.

Đơn cử mới đây, Công an xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 1 nhóm 11 em học sinh một Trường Trung học cơ sở ở xã Đức Xuyên có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép, thu giữ 50 quả pháo tự chế thành phẩm, 01 kg bột màu vàng (các em khai là lưu huỳnh), 400 gram thuốc nổ, 500 gram KNO3, 91 ống rỗng dùng để chế tạo pháo, 100 gram chất màu đen (các em khai là than), 1m dây cháy chậm và một số vật liệu sử dụng vào việc chế tạo pháo. Bước đầu xác định, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet các em đã tự đặt hàng online mua các hợp chất và các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ. Công an xã Đức Xuyên đã lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử phạt hành chính theo quy định và bàn giao lại cho gia đình, nhà trường và địa phương để giáo dục, quản lý.

Công an xã Đức Xuyên phát hiện, xử lý 1 nhóm học sinh có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Trước đó, ngày 5/1/2024, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảm đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán giáp Thìn 2024, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 1 trường hợp là học sinh một trường THPT trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đang có hành vi mang theo 1 hộp bên trong chứa chất bột màu trắng (người này khai là thuốc pháo pha trộn dùng để chế tạo pháo) mang đi bán, thu giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn. Số chất bột trên do học sinh này đặt mua trên mạng xã hội mang về chế tạo pháo nổ trái phép để chơi Tết và bán kiếm lời. Học sinh này thừa nhận, sau khi học cách chế tạo pháo trên mạng Internet và mua các vật dụng liên qua mang về và tự mình chế tạo được 38 quả pháo các loại. Lực lượng Công an xã Đắk Nia đã tạm giữ 0,9kg thuốc pháo đã pha trộn và 38 quả pháo các loại, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an xã Đắk Nia làm việc với các em học sinh tự chế tạo pháo

Theo Đại úy Trinh Hải Quân, Trưởng Công an xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, mặc dù lực lượng Công an các cấp trong tỉnh nói chung, Công an xã Đắk Nia nói riêng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo, yêu cầu thanh thiếu niên, học sinh ký cam kết không vi phạm, đồng thời ra quân tấn công, trấn áp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo nổ nhưng cứ mối dịp Tết đến, Xuân về tình trạng này vẫn diễn ra. Do đó bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành chức năng thì các bậc phụ huynh, gia đình cần quan tâm giáo dục, quản lý con em của mình, nhất là trong việc kiểm tra, phát hiện và khuyên bảo con em tránh xa các hành vi vi phạm này. Nhà trường cũng cần quan tâm, tăng cường quản lý học sinh, nắm bắt các trường hợp có những biểu hiện vi phạm để có các biện pháp giáo dục, răn đe.

Công an thị trấn Đắk Mil phát hiện, xử lý 1 em học sinh có hành vi tàng trữ pháo nổ tự chế trái phép

Không riêng gì tại xã Đăk Nia, vào ngày 15/12/2023, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil đã phát hiện, bắt quả tang 1 học sinh trên địa bàn đang có hành vi tàng trữ pháo nổ mà bản thân tự chế tạo trái phép, thu giữ 20 quả pháo nổ tự chế và 1 bịch pháo bi (81 quả) tự chế với tổng trọng lượng 4kg. Học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet nên đã tự đặt mua hàng online kèm các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích bán kiếm lời.

Hậu quả đau lòng từ các vụ tai nạn liên quan đến tự chế pháo nổ

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tang vật các vụ tự chế tạo pháo nổ trái phép

Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân...

Hậu quả đau lòng từ các vụ tự chế pháo nổ trái phép

Đơn cử, vào ngày 25/1/2024 tại 1 phòng trọ ở TDP8 thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xảy ra 1 vụ tai nạn do tự chế pháo nổ. Nạn nhân là em Nguyễn Bá Hải D (SN 2008), trú tại xã Đắk N’rót, huyện Đắk Mil, là học sinh 1 trường cấp 3 trên địa bàn bị bỏng toàn thân, tổn thương mắt, mất bàn tay trái và các ngón tay phải và được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó, vào ngày 18/1/2024 trên địa bàn xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra 1 vụ tai nạn do tự chế pháo nổ. Nạn nhân là em Trần Văn V (SN 2002), trú tại thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh bị thương nặng ở tay trái. Bước đầu xác định, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet V đã tự đặt đặt mua hàng online các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ và xảy ra hậu quả đáng tiếc như trên.

Hậu quả đau lòng từ các vụ tự chế pháo nổ trái phép

Không riêng gì tại huyện Đắk Mil và Đắk Song, vào ngày 21/12/2023 trên địa bàn xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra vụ tự chế pháo nổ tại nhà, khiến anh Nguyễn Nhật H (SN 2008), trú tại thôn 7, xã Đắk Sin bị bỏng nặng toàn thân và được người thân đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông. Sau nhiều ngày được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tích cực điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã xuất viện về điều trị tại nhà. H. cho hay, khi xem các video chế tạo pháo nổ trên mạng, H. tò mò và muốn tự chế tạo pháo để sử dụng. Sau đó, H. lên các trang mạng đặt mua vật liệu rồi tự chế pháo tại nhà. Trong quá trình H. chế tạo pháo tại nhà thì không may xảy ra phản ứng, gây nổ. Hậu quả H bị lửa bùng vào người gây bỏng ngoài da. "Nổ 2 lần liên tiếp khiến người em bị bỏng nặng. Lúc đó em cố chạy ra khỏi nhà, cầu cứu người thân chở đi bệnh viện", H. kể lại.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ

Hiện nay, pháp luật hiện hành đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó, mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chế tạo trái phép các loại pháo nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi.

Lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống pháo nổ cho các em học sinh

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất là từ 8-15 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là từ 5-10 năm.

Đối tượng Hứa Văn Khảo vừa bị TAND huyện Đắk Mil tuyên phạt 9 tháng tù

Mới đây, vào tháng 1 năm 2024, Toà án Nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã mở phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn vụ án “Tàng trữ hàng cấm” (pháo nổ) và tuyên phạt bị cáo Hứa Văn Khảo (SN 2001) trú tại xã Long Sơn, huyện Đắk Mil 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm 06 tháng tình từ ngày tuyên án về tội tàng trữ hàng cấm là gần 7kg pháo hoa nổ để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Lực lượng Công an cơ sở phát tờ rơi tuyên tuyền, cảnh báo, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần, vì sự an toàn của cả cộng đồng, cùng với quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hãy nói không với các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dung trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ, góp phần để một cái Tết thật sự bình yên, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người.

Hồng Long