Đắk Glong chung tay giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

21/11/2024, 18:20:43
In trang

Ngày 21/11/2024, lãnh đạo Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa tham mưu UBND huyện Đắk Glong tổ chức thành công hội nghị gặp mặt người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo Công an huyện; Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh; lãnh đạo Trại giam Đắk Plao (Bộ Công an); lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang cấp huyện và cấp xã; các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo lao động và hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Trao tặng quà cho người chấp hành xong án phạt tù

Theo đánh giá, từ năm 2020 đến nay, huyện Đắk Glong tiếp nhận mới 358 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Hầu hết họ là lao động tự do, không có việc làm ổn định nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và có tâm lý tự ti, mặc cảm và dễ bị lôi kéo quay trở lại con đường lầm lỗi nếu như không có sự quan tâm, hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như giúp họ có một công việc để hòa nhập với cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong phát biểu tại hội nghị

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng như: hỗ trợ trên 1000 con giống, cây trồng; giải quyết cho 71 trường hợp vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 3,5 tỷ; giải quyết vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 10 trường hợp, với tổng số tiền 870 triệu đồng; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 32 người chấp hành xong án phạt tù; xây dựng, nhân rộng mô hình “Giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù” và đang triển khai xây dựng mô hình “trồng rừng, chăn nuôi- bàn tay người trở về” với mục tiêu hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nhận hợp đồng trồng lại rừng của những đơn vị chủ rừng bị chặt phá trong các vụ án hình sự, hành chính......

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn và đưa ra giải pháp nhằm giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm ăn phát triển kinh tế. Đồng thời, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân được đặc xá, tha tù về tái hòa nhập cộng đồng với mong muốn các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giải quyết việc làm, vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế... Các ý kiến này đã được lãnh đạo UBND huyện và các đơn vị chức năng tiếp thu, trao đổi và giải đáp đầy đủ.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện và Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Trao đổi, phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù. Tập trung nghiên cứu, lựa chọn xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù và điều kiện thực tế của từng địa phương; quan tâm giới thiệu, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người chấp hành xong án phạt tù, nhất là đối với những trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để sớm tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm ăn phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đắk Glong tiếp tục nhân rộng mô hình “Giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù”

Dịp này, UBND huyện Đắk Glong đã trao tặng 10 phần quà cho 10 người chấp hành xong án phạt tù có nhiều tiến bộ trong tái hoà nhập cộng đồng và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đắk Glong