Công an tỉnh Đắk Nông tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước

22/6/2023, 13:36:22
In trang

Thời gian qua, tình hình tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nhất lá đối với trẻ em. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, Công an tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa thiết thực, hiệu quả.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ đuối nước làm 19 trẻ em tử vong. Trong đó, hầu hết các vụ đều xảy ra tại các hồ chứa nước tưới cà phê, cây công nghiệp của người dân.
Điển hình như vụ việc xảy ra ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô vào chiều ngày 26/3/2023, khi gia đình đi làm về không thấy 2 cháu là H.T.T.T sinh năm 2013 và H.G.V sinh năm 2017 nên đi tìm. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khi mọi người tìm tới hồ nước của người dân múc để tưới cà phê thì phát hiện 2 cháu đã chết đuối dưới hồ.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 25/2/2023, hai gia đình tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đi làm rẫy về, không thấy các cháu nhỏ ở nhà nên đi hỏi thăm, tìm kiếm các cháu. Đến khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, phát hiện tại hồ chứa nước tưới cà phê của một gia đình trong thôn có nhiều dấu hiệu bất thường. Người dân tìm kiếm, phát hiện 4 cháu nhỏ (trong đó, có 2 cháu 6 và 2 cháu 4 tuổi) đã tử vong do đuối nước. Nguyên nhân được xác định là các bé rủ nhau đi chơi tại khu hồ, sau đó trượt chân và kéo nhau rơi xuống ao dẫn đến bị đuối nước.
Gần đây nhất, vào khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 30/5/2023 ba bà cháu gồm: V.T.N, sinh 1963, cháu T.H.Q.K sinh 2018 và cháu N.V.P sinh 2016, đi vào rẫy của gia đình tại thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, cháu K bị trượt chân ngã xuống ao, bà N. nhảy xuống cứu, sau đó cả hai cùng bị đuối nước, tử vong…

Hiện trường vụ hai bà cháu bị đuối nước tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil ngày 30/5/2023.

Những vụ việc trẻ em đuối nước để lại nỗi đau vô cùng lớn; đồng thời, là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở mọi người về việc bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là ở những khu vực có nhiều ao hồ, sông suối... đặc biệt tại các hồ chứa nước tưới cà phê, cây công nghiệp có ở hầu hết các rẫy của người dân.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa đuối nước

Trước thực trạng đó, Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó phân công trách nhiệm của các đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa và tổ chức CNCH sự cố, tai nạn đuối nước.
Cùng với cơ quan chức năng ở địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát những khu vực, địa điểm dễ xảy ra đuối nước, đặc biệt các hồ chứa nước tưới cà phê, cây công nghiệp của người dân để triển khai các biện pháp phòng ngừa như: Cắm hơn 1.200 biển cảnh báo, dùng săm xe cũ làm phao cứu sinh, đóng cọc, buộc dây thả nổi trên mặt hồ, làm rào chắn quanh hồ... Đây là các biện pháp tuyên truyền trực quan rất thiết thực, hiệu quả.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cắm biển cảnh báo tại hồ Thủy Điện ĐắkR’Tih

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trao tặng, hướng dẫn dung săm xe làm phao cứu sinh

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn buộc dây để sử dụng cứu sinh khi cần.

Bên cạnh việc cắm biển cảnh báo ở khu vực hồ đập, sông suối, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân trên địa bàn chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho con em trong gia đình; quan tâm hơn trong quản lý, giám sát, không để trẻ nhỏ đến gần các khu vực ao, hồ, sông suối. Cùng với đó, tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em cho cán bộ, công nhân viên, học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước; thực hành một số kỹ thuật sơ cấp cứu người bị đuối nước, hô hấp nhân tạo; hướng dẫn sử dụng áo phao, phao bơi đúng cách. Kết quả, đã đăng phát hơn 500 lượt tin bài cảnh báo đuối nước trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã; đã tổ chức được 34 buổi tuyên truyền cho 6.200 giáo viên, học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh; thông qua chương trình trải nghiệm“Một ngày làm lính cứu hỏa” đã tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH kết hợp kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 430 em thiếu niên và nhi đồng; mở được 02 lớp dạy bơi miễn phí với 191 em có độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi tham gia.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, trong thời gian tới, lực lượng  Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; tổ chức cắm biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn; phát loa tuyên truyền, hướng dẫn người dân về những nguy cơ và biện pháp phòng tránh các sự cố, tai nạn có thể xảy ra; phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em; phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông, đoàn thể cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em những kiến thức về công tác phòng, chống đuối nước và tổ chức các lớp kỹ năng về bơi an toàn cho trẻ em. Đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức truyền thông và xây dựng nội dung phù hợp, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, … từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước.

 

Phạm Thành Nam