Xác định tầm quan trọng và hiệu quả mang lại trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, thời gian qua Công sn tỉnh Đắk Nông đã tập trung đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh việc hướng dẫn xây dựng mô hình mới, Công an tỉnh cũng tập trung rà soát, nhân rộng các mô hình có cách làm hay, sáng tạo, phát huy hiệu quả và thanh loại mô hình hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với tình hình thực tế.
Quá trình triển khai thực hiện tuân thủ nguyên tắc chung của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, Nhân dân làm chủ, lực lượng Công an làm tham mưu, nòng cốt. Từ đó, đã bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo, triển khai thực hiện, quản lý và đặc biệt đã phát huy dân chủ, sáng tạo, tinh thần tự giác, tự nguyện của Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.
Ra mắt mô hình “Phối hợp giữa Công an phường với công dân chạy xe taxi trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự”
HIện nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì 33 mô hình với 919 điểm mô hình, hoạt động ở các lĩnh vực phòng chống tội phạm, quản lý đối tượng, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trong vùng tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ở từng lĩnh vực cụ thể các mô hình đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình “Camera giám sát an ninh, trật tự”, “Camera đô thị thông minh” với hơn 600 mắt camera thu dung tại 56/71 xã, phường, thị trấn, với một phần kinh phí từ ngân sách và phần lớn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, qua đó đã phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nhanh các vụ việc xảy ra trên địa bàn; mô hình “Tổ liên gia đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy” với 38 điểm mô hình đã tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức cảnh giác trong công tác phòng cháy và huấn luyện cho thành viên trong tổ về công tác chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra; các mô hình “Trường học tự quản về an ninh, trật tự” “Giáo xứ không có tín đồ vi phạm pháp luật", “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng động”… đã tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, hỗ trợ tích cực trong công tác giáo dục học sinh có nguy cơ bỏ học, trốn học, tụ tập gây rối trật tự, phòng, chống các vi phạm pháp luật khác, giúp đỡ người chấp hành xong an phạt tù ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình…
Các mô hình đã vận động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, ý thức tự quản, tự phòng đã từng bước có sự chuyển biến tích cực, mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và các ngành, đoàn thể được củng cố, tăng cường; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến là quần chúng nhân dân, cán bộ, hội viên trong các tổ chức đoàn thể xã hội, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo… góp phần kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm an toàn về PCCC. Để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Công an tỉnh Đắk Nông đã ban hành Hướng dẫn số 04/HD-CAT ngày 08/02/2023 về “xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, qua đó đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, quy trình xây dựng, nhân rộng và kết thúc mô hình. Bên cạnh đó đã và đang trực tiếp xuống cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục để hướng dẫn xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn xây dựng mô hình tại Trung tâm huấn luyện, thi đấu thể dục, thể thao tỉnh