Chung tay ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tự chế tạo pháo nổ dịp Tết

20/12/2024, 13:39:18
In trang

Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng cứ đến đến thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến khá phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép. Đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên, học sinh mua nguyên vật liệu và học cách chế tạo trên mạng xã hội rồi tự chế pháo nổ để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.

Hậu quả khôn lường từ việc tự chế tạo pháo nổ trái phép

Theo đó, ngay trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, qua công tác nghiệp vụ, ngày 15/12/2024 Công an xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã liên tiếp phát hiện và bắt quả tang 2 vụ, 6 em học sinh trên địa bàn xã Đắk Sắk từ 13 đến 15 tuổi đang có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ bộ dụng cụ chế tạo pháo, 1 quả pháo nổ tự chế và 105 quả pháo đang trong giai đoạn bán thành phẩm cùng nhiều tiền chất, nguyên vật liệu, vật dụng để chế tạo pháo.

4 em học sinh tại xã Đắk Sắk bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Ngô Lê Minh Đức, Trưởng Công an xã Đắk Sắk cho biết, bước đầu 6 em học sinh này khai nhận, sau khi xem và tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet, các em đã tự đặt đặt mua hàng online các vật dụng liên quan để chế tạo pháo nổ với mục đích sử dụng trong dịp Tết. Công an xã đang củng cố hồ sơ để xử lý các em theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, trực tiếp đến từng hộ gia đình, nhất là gia đình có con em có dấu hiệu mua nguyên liệu tự chế pháo nổ, tuyên truyền, vận động phụ huynh nhắc nhở các em học sinh có hành vi vi phạm, tự nguyện giao nộp pháo nổ tự chế, nguyên liệu và các vật dụng khác để chế tạo pháo. Đồng thời, gia đình và các em cam kết không tái phạm, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

2 em học sinh tại xã Đắk Sắk bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Cũng trong ngày 15/12, qua công tác tuần tra, nắm tình hình, Công an thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil cũng đã phát hiện, xử lý 2 trường hợp là 2 em học sinh trên địa bàn đang có hành vi đặt mua pháo nổ và nguyên liệu chế tạo pháo nổ qua mạng Internet, thu giữ 3kg pháo, 0,5 kg bột để làm thuốc pháo cùng với 20 cuộn giấy. Công an thị trấn Đắk Mil đang củng cố hồ sơ để xử lý các em theo quy định của pháp luật.

Công an thị trấn Đắk Mil phát hiện, xử lý 1 em học sinh có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Tương tự, ngày 7/12 và ngày 17/12/2024, qua công tác nghiệp vụ, Công an xã Đức Minh, huyện Đắk Mil đã phát hiện, bắt quả tang 2 vụ, 3 em học sinh trên địa bàn xã Đức Minh đang có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép, thu giữ 7kg pháo tự chế đã thành phẩm, 2,5 kg các nguyên vật liệu cùng nhiều tiền chất, vật dụng liên quan đến việc chế tạo pháo nổ. Công an xã đang củng cố hồ sơ để xử lý các em theo quy định của pháp luật.

Tang vật các vụ tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép

Theo Trung tá Đồng Thị Lâm, Trưởng Công an xã Đức Minh, các em học sinh trong 2 vụ tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép nói trên chỉ mới 13 tuổi, nhận thức còn chưa đầy đủ về tác hại cũng như nguy cơ của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ. Với tâm lý hiếu kỳ, thích thể hiện cùng với những clip hướng dẫn cách chế tạo pháo tràn lan trên mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên, học sinh đã tìm hiểu và mua vật liệu về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn thương tâm, nguy hiểm cho bản thân các em và những người xung quanh. Để chủ động ngăn ngừa tình trạng này ngay từ sớm, nhất là dịp Tết sắp đến gần, quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, Công an xã đã và đang phối hợp với lực lượng Công an cấp trên đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh về tác hại và nguy cơ tiềm ẩn từ việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép và cho các em học sinh, người dân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và không tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép.

Công an xã Đức Minh đang củng cố hồ sơ để xử lý các em theo quy định của pháp luật

Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đơn cử, ngày 9/12/2024, Công an xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông nhận được tin báo về việc em N.Đ.T (15 tuổi), học sinh một Trường THPT trên địa bàn huyện Đắk R’lấp bị thương ở bàn tay do quá trình sử dụng vật liệu nổ tại nhà ở thôn 2, xã Hưng Bình. Qua xác minh, xác định, em T được 1 người bạn cho pháo loại pháo cối và mang về cất giữ tại nhà. Ngày 6/12/2024 trong lúc dọn dẹp nhà, em T phát hiện rồi đem ra sử dụng và xảy ra tai  nạn với việc bị thương cả bàn tay. Ngay sau đó, em T được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Em T bị thương cả bàn tay sau tai nạn pháo

“Để hạn chế thấp nhất tình trạng tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháp nổ cũng như ngăn ngừa hậu quả xảy ra, Công an xã Hưng Bình đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp công tác, chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Tổ chức ký cam kết tới các hộ dân, các em học sinh trong các nhà trường về hiểm họa của hành vi chế tạo pháo nổ, kiên quyết không để xảy ra các vụ nổ do tự chế pháp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân”. Trung tá Hồ Ngọc Hà, Trưởng Công an xã Hưng  Bình, huyện Đắk R’lấp cho biết.

Lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống pháo nổ tại các trường học

Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó, mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chế tạo trái phép các loại pháo nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất là từ 8-15 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 191 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là từ 5-10 năm.

Hàng năm lực lượng Công an cơ sở phối hợp với các trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về pháo

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất và sử dụng pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Do đó, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn xuất hiện tình trạng học sinh tham gia sản xuất, chế tạo pháo nổ bị phát hiện, bắt giữ. Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Có như vậy mới phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về pháo nổ, nhất là việc tự ý sản xuất, chế tạo pháo nổ, góp phần để một cái Tết thật sự bình yên, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người.

 

Hồng Long