Cảnh giác với bẫy “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia

26/10/2024, 07:39:23
In trang

Những năm gần đây, lợi dụng ham muốn làm việc nhẹ lương cao của người dân Việt Nam, nhất là đối với số thanh niên đang thất nghiệp, các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, tuyển người và tổ chức đưa người qua Campuchia bằng đường bất hợp pháp để lao động tại các đặc khu kinh tế trên lãnh thổ Campuchia. Điều này đã  gây ra nhiều hệ luỵ, hậu quả đối với đời sống của những người trốn đi nước ngoài và gia đình của họ.

Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 6 vụ án, 9 bị can liên quan đến các tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”; “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Đơn cử năm 2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ với 3 bị can về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Nhóm bị can này mặc dù biết công việc tại Campuchia nặng nhọc, vất vả nhưng đã lừa dối các nạn nhân sang làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Bằng các thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã móc nối tuyển dụng và tổ chức đưa 14 người trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch để lao động. Những tưởng sẽ có cuộc sống “tươi đẹp”, công việc thuận lợi, nhưng sau khi sang Campuchia các nạn nhân đã được đưa đến làm việc tại các sòng bạc hoặc công ty ma, lừa đảo trực tuyến… Quá trình làm việc được giao chỉ tiêu doanh số rất cao, khó thực hiện; làm việc trong môi trường áp lực, căng thẳng dưới sự giám sát của người Trung Quốc. Khi không thực hiện được chỉ tiêu có thể sẽ bị đánh đập; không trả lương hoặc bán đi cho công ty khác khó có cơ hội trở về Việt Nam; thậm chí, nhiều đối tượng vi phạm quy định nên bị công ty yêu cầu gia đình trả bồi thường số tiền từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để được chuộc về Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tiến hành hỏi cung với một bị can (người bên phải ảnh) trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” năm 2024

Ngoài những hệ lụy nói trên, theo quy định của pháp luật, đối với những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, mức phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng; trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 03 năm tù giam; những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.

Thủ đoạn trên không mới nhưng các đối tượng phạm tội vẫn triệt để lợi dụng vì động cơ, mục đích của cá nhân hoặc lợi ích nhóm; tình trạng người dân ở các tỉnh thành trên toàn quốc vẫn bị lừa qua Campuchia và được tổ chức vượt biên trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, để công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, toàn thể người dân cũng cần phải cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại… của các đối tượng trên mạng xã hội. Không tin tưởng và làm theo những người không quen biết, lạ mặt trên các nền tảng mạng xã hội. Khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về cơ sở nơi làm việc, thông tin người giới thiệu, việc đi lại và các vấn đề pháp lý khác. Người dân khi phát phát hiện sự việc, đối tượng, đường dây nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia bất hợp pháp để làm việc hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông (qua số điện thoại: 02613.546.228) để xác minh, xử lý theo quy định.

 

ANĐT