Cảnh báo vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân trên không gian mạng

11/10/2022, 22:28:59
In trang

Điền, cung cấp các thông tin cá nhân cho các tổ chức, cá nhân, các website không chính thống, ứng dụng không được kiểm chứng, không đáp ứng được bảo mật thông tin hay vô tình chia sẻ các thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo cơ hội cho đối tượng xấu tìm kiếm, thu thập và sử dụng vào các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân

Việc lộ lọt dữ liệu cá nhân có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư mà còn dẫn đến tình trạng lừa đảo công nghệ cao, cũng như các hành vi phạm pháp khác. 

Thông tin cá nhân hiểu đơn giản là thông tin dùng để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số hộ chiếu, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng...Các thông tin này gắn liền với một cá nhân nào đó. Những thông tin này thường được người dùng sử dụng khi đăng ký tham gia các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo, Instagram… hay nhập vào các mẫu khai báo khi sử dụng các ứng dụng, website thương mại điện tử, tham gia trò chơi trực tuyến...

Việc lộ lọt dữ liệu cá nhân xuất phát chủ yếu từ nguồn thông tin của người dân cung cấp thông qua các hoạt động giao dịch mua bán trên mạng. Song ngay cả việc mua hàng trực tiếp tại những điểm bán hàng lớn, nguy cơ lộ thông tin thông tin cá nhân cũng vẫn xảy ra khi người dân tham gia các chương trình khuyến mãi hoặc làm thủ tục vay tiền trả góp để mua hàng…, trong đó có những trường hợp doanh nghiệp chủ ý đưa thông tin khách hàng cho bên thứ ba hay rao bán thông tin khách hàng nhằm thu lợi bất chính. Một nguyên nhân khác gây lộ lọt thông tin cá nhân có thể đến từ nhà cung cấp dịch vụ thường ở các trường hợp như: Lỗ hổng trên các hệ thống, ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ; lỗ hổng trong chính sách bảo mật thông tin khách hàng của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đây cũng điều kiện thuận lợi để đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác và sơ hở của người sử dụng mạng Internet nhằm đánh cắp các thông tin cá nhân. Các đối tượng lợi dụng các nền tảng mạng xã hội các đăng tải các bài viết lừa người dân cung cấp thông tin cá nhân như: tuyển dụng, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký chương trình khuyến mãi… Sau đó các đối tượng sử dụng các thông tin cá nhân này để khống chế yêu cầu người bị hại chuyển tiền cho chúng; nếu không thực hiện theo đúng yêu cầu thì sẽ sử dụng để vay tiền, đăng tải các bài viết nhằm bôi nhọ hoặc nghiêm trọng hơn là sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân vô tình làm lộ thông tin cá nhân 

Phần lớn nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Điển hình như, khi tham gia các hoạt động mua bán online thông qua mạng xã hội, đặt vé xe, máy bay, khách sạn... người dân thường được yêu cầu cung cấp thêm số điện thoại, email… hoặc người dân đôi khi lại sơ ý để công khai các thông tin cá nhân như số điện thoại trên mạng xã hội  hoặc lựa chọn sử dụng dịch vụ của những bên trung gian kém uy tín, chính sách bảo mật thông tin không tốt. Điều này lý giải cho việc người dân liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi mời chào vay tiền; mua bán chứng khoán; tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online, giả danh thông báo vi phạm pháp luật…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ứng dụng di động, trò chơi trực tuyến, ứng dụng hẹn hò… yêu cầu các quyền truy cập dữ liệu (như danh sách bạn bè trên Facebook, hồ sơ cá nhân, danh bạ…) dẫn đến việc người dân vô tình chấp thuận cho các ứng dụng này khai thác thông tin cá nhân của mình. 

Thẻ Căn cước công dân chứa nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng, theo ghi nhận vẫn có có rất nhiều trường hợp người dân “vô tư” chia sẻ ảnh chụp căn cước công dân trên mạng xã hội đây là những “miếng mồi béo bở” để đối tượng xấu thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi. Ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trong thẻ Căn cước công dân của người dân chưa cao đẫn đến cung cấp thông tin căn cước công dân cho các dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, cho người khác mượn sử dụng vào mục đích không chính đáng hay thậm chí có những trường hợp bán thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng, sim thuê bao… cho đối tượng xấu dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Không chỉ bị tổn hại về quyền riêng tư, người bị đánh cắp thông tin cá nhân còn có thể gặp phải rủi ro về pháp lý cũng như tài chính. Trước thực trạng trên, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác tránh là nạn nhân của các hành vi của mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Người dân cần chú ý những vấn đề như sau:

1.    Cẩn trọng giữ gìn dữ liệu cá nhân, hạn chế việc khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin; không chia sẻ hay để công khai các thông tin nhạy cảm như địa chỉ email, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, ảnh chụp CCCD, CMND… trên không gian mạng. Đọc kỹ quy định về bảo mật để bảo vệ quyền lợi của chính mình và luôn có thói quen kiểm tra thật kỹ trước khi khai báo. Cần quan tâm bảo vệ, coi dữ liệu cá nhân là một loại tài sản của cá nhân.

2.    Luôn kiểm tra website, ứng dụng cung cấp dịch vụ để lựa chọn sử dụng các ứng dụng từ nguồn chính thống, được cung cấp bởi các đơn vị đáng tin cậy, không nên truy cập vào các website không rõ, hay truy cập vào các đường dẫn trong email, trên facebook... khi không xác định được độ an toàn kể cả khi được người quen gửi.

3.    Luôn cảnh giác với những người quen biết thông qua mạng xã hội và tuyệt đối không được cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân của mình cho họ, kể cả với những người thân quen, nếu họ có những biểu hiện khác thường và đòi hỏi thông tin cá nhân của bạn; nên đề cao cảnh giác bởi có thể tài khoản của họ đang bị điều khiển bởi một người nào khác.

4.    Khi phát hiện thông tin của mình hoặc người khác lộ, lọt, đang bị sử dụng vào hoạt động phạm pháp, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Nguyễn (ANM)