Điển hình như vụ đuối nước thương tâm xảy vào khoảng 16 giờ ngày 25/2/2023 trên địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil làm 04 trẻ nhỏ tử vong. L.T.N.H (2017), L.G.K (2019), H.Y.N (2017), H.T.Y.M (2017). Nguyên nhân được xác định là các bé rủ nhau đi chơi tại khu vực ao nhà ông H.V.Đ sau đó trượt chân và kéo nhau rơi xuống ao dẫn đến bị đuối nước.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 6 vụ đuối nước ở trẻ em, làm 9 trẻ tử vong. Đặc biệt, có nhiều vụ tai nạn đuối nước rất nghiêm trọng đã để lại nỗi đau không gì có thể bù đắp được cho gia đình và xã hội. Tình trạng đuối nước không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, mà ở độ tuổi thanh thiếu niên, nguy cơ vẫn hiện hữu. Biết bơi thôi chưa đủ, mà cần phải thường xuyên trang bị kỹ năng, cứu người đuối nước cho cả người lớn và trẻ em. Bi kịch xảy ra, nhìn lại và rút kinh nghiệm thì đã quá muộn màng.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo: Người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ cứu nạn trực 24/7. Trẻ em khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Trên tàu, thuyền phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi không may có tai nạn xảy ra. Nếu không may trẻ bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao... ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để tìm người ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, cả người cứu nạn.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn bơi an toàn
Theo ghi nhận, có trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tại các thác nước du lịch không có người lớn đi kèm… Đuối nước ở trẻ vị thành niên vẫn luôn tiềm ẩn trong sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở từng gia đình và ở chính những đứa trẻ. Chính vì vậy, điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Trẻ nhỏ ham chơi có thể quên ngay lời nhắc, bởi thế, phụ huynh cần giám sát và liên tục nhắc nhở để trẻ in sâu trong đầu. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn…
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn cách sơ, cấp cứu ban đầu
Theo đồng chí Trung tá Phạm Thành Nam - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ gia đình trong việc giám sát, quản lý và giáo dục trẻ nhỏ. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả của tai nạn đuối nước; biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước trong các buổi hoạt động ngoại khóa; đồng thời phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước./.