Bảo đảm an ninh du lịch mạo hiểm tại địa bàn tỉnh Đắk Nông

24/5/2024, 13:41:14
In trang

Những năm gần đây, hình thức du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên là xu hướng rất được ưa chuộng, nhất là đối với giới trẻ và những người muốn thử thách bản thân. Du lịch mạo hiểm là một hình thức du lịch mang nhiều yếu tố khám phá và trải nghiệm những cảm xúc khác lạ từ những chuyến du lịch đến những địa hình hiểm trở, do đó độ nguy hiểm cũng tăng cao. Bên cạnh những trải nghiệm thú vị từ những vùng đất mới, loại hình du lịch mạo hiểm tự phát tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và nguy cơ tai nạn cho người tham gia. Những sự cố xảy ra đối với loại hình du lịch này đang gióng lên một hồi chuông về vấn đề quản lý cũng như việc khai thác của các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành.

Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước  nói chung, công tác đảm bảo an ninh an toàn đối với một số loại hình du lịch mạo hiểm cụ thể còn sơ hở, các quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý đối với hoạt động này; tại nhiều địa phương, một số hoạt động du lịch mạo hiểm như dù lượn, khinh khí cầu đang diễn ra phức tạp; đã xảy ra một số vụ việc, tai nạn với hậu quả xấu, thậm chí gây chết người, điển hình như: Ngày 23/3/2024, tại giải dù lượn Khám phá đại ngàn Sa Thầy 2024 đã xảy ra vụ tại nạn làm chết 01 phi công; trước đó, ngày 29/11/2023 tại địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ việc 01 phi công dù lượn gặp tai nạn khi bay tại khu vực địa hình hiểm trở và mất liên lạc, cơ quan chức năng phải tổ chức cứu hộ trong điều kiện khó khăn,…

Cuộc thi dù lượn được tổ chức tại huyện Đắk Glong

Đắk Nông có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vỹ phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là các hoạt động du lịch mạo hiểm như: Nhóm sản phẩm du lịch trên không (nhảy dù, dù lượn): Núi Tà Đùng có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển nên được ví như là “nóc nhà” ở tỉnh Đắk Nông, phía dưới là hồ Tà Đùng, có gần 40 hòn đảo lớn nhỏ, nơi được ví như “Vịnh hạ Long trên Tây Nguyên”’; Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (dã ngoại, leo núi, khám phá hang động): Hệ thống hang động và núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, khám phá thác nước): Hệ thống thác Đắk G’Lun, thác Đắk Buk So, thác Đray Sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ, hồ Trúc, hồ Tây, hồ Tà Đùng. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến du lịch mạo hiểm, khám phá như: Tham quan, khảo sát thực tế các hang động, núi lửa tại tại huyện Krông Nô, Tổ chức 02 hoạt động, cuộc thi dù lượn (năm 2022, 2023) tại huyện Đắk Glong,… Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng tổ chức các tour du lịch theo dạng “chui” như leo núi, tắm thác, bơi, lặn tại các hồ thủy điện, hồ tự nhiên,… vẫn còn diễn ra.

Khám phá hang động núi lửa tại huyện Krông Nô

Trong những năm qua, tình hình du lịch tại địa phương tiếp tục phát triển ổn định, tăng cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch, tình hình an ninh du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hoạt động du lịch mạo hiểm tại địa phương vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, vẫn để xảy ra các vụ tai nạn dẫn đến chết người như: Ngày 24/4/2021, xảy ra 01 vụ đuối nước làm 01 người nước ngoài chết tại thác Dray Sáp thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; Ngày 03/02/2023, tại khu vực Thác Lụa, thuộc Khu du lịch Cụm thác Dray Sáp - Gia long xảy ra vụ đuối nước làm 02 người chết; ngoài ra năm 2022 một số đoàn khách tham quan, khảo sát thực tế các hang động, núi lửa tại tại huyện Krông Nô cũng để xảy ra một số vụ tai nạn, dẫn đến chấn thương nhẹ.

Ngành du lịch được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển của địa phương

Trong các kỳ nghỉ lễ và mùa du lịch hè 2024 sắp tới, lượng khách du lịch đến địa phương dự kiến tăng mạnh, các loại hình du lịch mạo hiểm theo đó cũng được khai thác nhiều hơn. Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực du lịch, bảo đảm an ninh cho các sự kiện, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khách quốc tế và giảm thiểu tối đa rủi ro từ các loại hình du lịch nói chung và du lịch mạo hiểm nói riêng. Trong đó tiếp tục rà soát các loại hình, doanh nghiệp, cá nhân, địa điểm tổ chức du lịch mạo hiểm; đánh giá nguy cơ, cảnh báo các tình huống có thể xảy ra đối với hoạt động du lịch mạo hiểm, đặc biệt là các loại hình hoạt động phụ thuộc các điều kiện thời tiết và có yêu cầu về sức khỏe, bằng cấp, chứng chỉ với người điều khiển, người tham gia như dù lượn, lặn...; hướng dẫn Ban quản lý các Khu, Điểm du lịch xây dựng, tổ chức tập huấn các phương án cứu hộ, cứu nạn cho đội ngũ nhân viên, huấn luyện viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm; Quản lý chặt chẽ việc cấp phép đầu tư, cấp phép kinh doanh, cấp phép bay, đăng ký bay dù lượn, bay khinh khí cầu,… trên cơ sở đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm nói chung, các cá nhân, tổ chức hoạt động, kinh doanh du lịch mạo hiểm nói riêng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; phối hợp kiến nghị bổ sung các quy định cụ thể phù hợp điều kiện của địa phương; kịp thời phát hiện, phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; kiểm tra, phối hợp xây dựng phương án sơ, cấp cứu...

ANĐN