Việt Tân đã chỉ đạo thành lập một số tổ chức ngoại vi, trá hình hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Các tổ chức này triệt để lợi dụng danh nghĩa các câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo; sử dụng chiêu bài đấu tranh cho "dân chủ", "nhân quyền", "yêu nước", "bảo vệ Tổ quốc"…, để kích động tụ tập, biểu tình, gây mất ANTT. Điển hình trong số đó là tổ chức ngoại vi Vietnamrise (Rise) và Voice.
Những thủ đoạn mới của Rise
Sau khi Bộ Công an công bố Việt Tân là tổ chức khủng bố, các đối tượng trong tổ chức phản động đã chỉ đạo Huỳnh Phạm Phương Trang, thành viên cốt cán của Việt Tân tại Mỹ công khai tuyên bố rút ra khỏi Việt Tân nhằm tránh cáo buộc liên quan khủng bố.
Các đối tượng sau đó thành lập "Rise"- cánh tay nối dài của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân. Rise sử dụng vỏ bọc là tổ chức Phi chính phủ (NGO) núp bóng dưới danh nghĩa trợ cấp học bổng, hứa hẹn tài trợ kinh phí nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm, đưa ra nước ngoài để học tập…, tán phát nhiều thông báo tuyển sinh trá hình đào tạo về "xã hội dân sự", nhằm móc nối, lôi kéo các trường hợp quan tâm đến các vấn đề về xã hội, chính trị, dân chủ, nhân quyền, nhất là sinh viên các trường đại học, thanh niên, nhân sĩ, trí thức trong nước tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của chúng.
Trần Quyết Thắng được VOICE đưa sang Philippines đào tạo 6 tháng
Có thể thấy, chúng đã lợi dụng lòng tin của các trường hợp có nhu cầu nâng cao kiến thức về xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về "dân chủ", "nhân quyền". Mục đích của "Rise" là tập trung móc nối, lôi kéo số thanh niên, sinh viên có tiềm năng phát triển trong tương lai tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về "xã hội dân sự" nhằm từng bước chuyển hóa tư tưởng, quan điểm chính trị, xây dựng thành "hạt nhân" để tuyên truyền, kích động người dân phản kháng lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phục vụ mưu đồ thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Để thực hiện ý đồ này, "Rise" đẩy mạnh triển khai các khoá đào tạo, huấn luyện về "phong trào xã hội" trên không gian mạng nhằm móc nối, lôi kéo các trường hợp quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị, dân chủ, nhân quyền… Các đối tượng lợi dụng lòng tin của các trường hợp có nhu cầu nâng cao nhận thức về xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia các khóa đào tạo.
Từ khi thành lập đến nay, "Rise" đã triển khai nhiều kế hoạch hoạt động chống phá. Trong đó, có việc sử dụng kênh truyền thông để tán phát các bài viết, hình ảnh có nội dung tiêu cực về tình hình chính trị, xã hội trong nước; tương tác với một số nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức một số khoá đào tạo, huấn luyện trực tuyến, sự kiện, chương trình, cuộc thi sử dụng vỏ bọc "xã hội dân sự" để tuyên truyền, quảng bá, thu hút người đăng ký tham gia, nhất là giới trẻ, thanh niên, sinh viên, nhằm gia tăng ảnh hưởng của tổ chức như: khóa huấn luyện "Tìm hiểu về xây dựng phong trào xã hội", "Kỹ năng giao tiếp", "Trường nghề xã hội dân sự"; hội thảo trực tuyến "Quyền người lao động", "Lãnh đạo phong trào trong bối cảnh thách thức"; sự kiện "Ngày hội phong trào xã hôi - SMF"; cuộc thi có thưởng "Tranh biện xã hội Việt Nam"; chương trình hỗ trợ tài chính triển khai các dự án, sáng kiến "xã hội dân sự" trong nước…
"Rise" còn được bộc lộ qua hoạt động hỗ trợ tài chính cho số đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước theo sự chỉ đạo, định hướng của chúng. Điển hình như trường hợp của Lê Quốc Anh (SN 1991, ngụ phường 9, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Liên quan đến sự việc trên, ngày 28/11/2023, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Lê Quốc Anh về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, Lê Quốc Anh đã bị số cầm đầu "Rise" móc nối tham gia các khóa huấn luyện trực tuyến về "xã hội dân sự", từng bước lôi kéo Lê Quốc Anh tham gia tổ chức. Sau đó, Lê Quốc Anh thường xuyên liên lạc, nhận tiền tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước theo chỉ đạo của số cầm đầu "Rise".
Tại các buổi học đào tạo, "Rise" khéo léo lồng ghép các thông tin, tài liệu, xuyên tạc vấn đề liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền trong nước; sử dụng các phương thức, thủ đoạn thổi phồng, cắt ghép về tình hình chính trị, xã hội trong, ngoài nước nhằm tác động, hướng lái số học viên có cách nhìn tiêu cực, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam "am hiểu" về "xã hội dân sự", dám đứng lên phản kháng lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là âm mưu chống phá hết sức thâm độc của các thế lực thù địch.
Tiếp đó, sau các khóa đào tạo cơ bản, các đối tượng tiếp tục tuyển chọn những trường hợp có tiềm năng phát triển, hoạt động tích cực để tham gia các khóa đào tạo nâng cao nhằm bồi dưỡng số này thành các "ngòi nổ" tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Đây là một nguy cơ lớn đe dọa đến an ninh quốc gia. Trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện, hoạt động chống phá của các đối tượng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Trường hợp Phạm Thị Đoan Trang là một điển hình.
Phạm Thị Đoan Trang vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, được đào tạo bài bản, nhất là kiến thức về pháp luật, từng có thời gian làm việc tại một số tờ báo lớn trong nước. Song từ năm 2009, sau khi tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của Việt Tân, Phạm Thị Đoan Trang đã chuyển hóa tư tưởng cực đoan, chống đối rất quyết liệt, không thể cảm hóa. Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên câu kết với các phần tử chống đối, phản động trong, ngoài nước, các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò "phản biện xã hội" để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật…
Và những khóa học "xã hội dân sự" của Voice
Cũng như "Rise", số cầm đầu "Voice" hay còn gọi là "Sáng kiến lương tâm người Việt ở hải ngoại" tiếp tục lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, triệt để lợi dụng danh nghĩa dân sinh, dân quyền để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; núp bóng hoạt động xã hội lồng ghép nội dung xuyên tạc, cổ vũ hoạt động "xã hội dân sự" nhằm khuếch trương thanh thế của tổ chức. Qua các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, các thành viên trong tổ chức lựa chọn các trường hợp để lôi kéo.
Hoạt động của "Voice" được thể hiện dưới 3 hình thức. Một là duy trì các trang web thường xuyên đăng tải, phát tán các bài viết với nội dung xuyên tạc về tình hình chính trị trong nước, các vụ án tham nhũng để kích động, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; lợi dụng các sự kiện để xuyên tạc chính sách của của Đảng, Nhà nước với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng còn cung cấp thông tin xuyên tạc tình hình Việt Nam cho các đối tượng ở bên ngoài; thông qua hoạt động thiện nguyện để lồng ghép, xuyên tạc dân chủ, nhân quyền…
Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của cái gọi là "xã hội dân sự" ở trong nước, Voice tiếp tục núp dưới danh nghĩa đấu tranh ôn hòa, cổ vũ việc thành lập các hội nhóm, tổ chức thoát ly khỏi sự quản lý, điều hành của Nhà nước để dần dần tạo nên tâm lý "bất tuân dân sự"; phản kháng, đối lập tại Việt Nam. Voice liên tục tiến hành nhiều hoạt động phục vụ ý đồ đó như: Cổ vũ và tuyên truyền các giá trị tự do cá nhân, đề cao cá nhân hơn tập thể, hậu thuẫn tài chính chống đối ở trong nước; tìm chọn và đưa ra nước ngoài các nhân tố trẻ để huấn luyện các kỹ năng hoạt động chống đối, hình thành các khóa tập huấn trực tuyến trên Internet về "chính trị", "nhân quyền"…
Một trong các hoạt động đáng lưu ý của Voice là SOA (School of Activism - học để hành). Voice từ lâu đã nhận thấy rằng trang bị kỹ năng thành lập tổ chức đối lập, kỹ năng tập hợp lực lượng để đối trọng với nhà nước Việt Nam là rất quan trọng nên chúng đã chú trọng tới việc tổ chức các "lớp học" như thế này. Mặt khác, chỉ khi tổ chức được các khóa học với sự tham gia đông đảo của thành phần trẻ trong xã hội như thanh niên, sinh viên thì Voice mới dễ dàng giải ngân được nguồn vốn do các NGO nước ngoài tài trợ. Tuy nhiên, tổ chức trực tiếp ở trong nước thì vừa yêu cầu nhiều sự chuẩn bị, vừa nguy hiểm vì có thể bị cơ quan chức năng phát hiện nên năm 2020, Voice đã lợi dụng các nền tảng hội họp của Internet để hình thành nên SOA. Tổ chức và điều hành khóa học này là đối tượng có tên Đào Thị Ngọc Diệp. Diệp là một nhân tố trẻ tiềm năng của VOICE được Trịnh Hội và Phạm Thị Đoan Trang (hiện đang bị bắt) đào tạo ngay từ đầu.
Sinh năm 1993 tại Thái Nguyên, Đào Thị Ngọc Diệp học Đại học Xã hội và Nhân văn tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Diệp làm nhân viên NGO "Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ - CEPEW". Năm 2016, Diệp bắt đầu tham gia các hoạt động chống đối như phát ngôn đề cao giá trị "dân chủ", "nhân quyền" của các nước tư bản, phỉ báng, nói xấu chế độ Cộng sản. Diệp lấy danh nghĩa "yêu nước" để tham gia tụ tập, biểu tình tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ phản đối việc công ty Fomorsa xả thải tại khu vực biển miền Trung nhưng thực chất là để đánh bóng tên tuổi với mong muốn được ra nước ngoài làm việc. Năm 2017, Diệp tham gia khóa huấn luyện trực tuyến do "Ủy ban cứu trợ người vượt biển - BPSOS" tổ chức. Năm 2020, Diệp xuất cảnh sang Philippines tham gia khóa huấn luyện, đào tạo dài hạn về "xã hội dân sự" do VOICE tổ chức, sau đó ở lại làm việc cho "Văn phòng VOICE" và được giao phụ trách trang web phản động "Học để hành - SOA".
"Học để hành - SOA" núp bóng danh nghĩa tổ chức phi chính phủ NGO chuyên tổ chức các khóa học trực tuyến về "xã hội dân sự" với khóa học xuyên suốt là khóa "Chính trị - Chính tôi" được tuyển sinh thường xuyên, liên tục; thành phần nhắm đến là những đối tượng trẻ, ưu tiên học sinh, sinh viên thích tham gia các hoạt động thiện nguyện, mong muốn tìm hiểu về chính trị, xã hội.... Khi đăng ký ứng tuyển, ứng viên phải cung cấp thông tin cá nhân cũng như gửi bài luận về nhận định của bản thân về tình hình chính trị xã hội trong nước. Quá trình học, Diệp và các đối tượng sẽ lồng ghép các bài giảng cổ súy cho thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng; nói xấu chế độ và tiêm nhiễm tư tưởng phản kháng, chống đối cho người tham gia, qua đó, tuyển lựa, đào tạo ra những "ngọn cờ" phục vụ cho mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam.
Qua thực tế cho thấy, thời gian đầu có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài bị lừa phỉnh, nhẹ dạ, cả tin bởi thông tin, hình ảnh kêu gọi hỗ trợ cái gọi là các "nhà dân chủ trong nước"; đấu tranh vì "dân chủ", "nhân quyền" nên đã tham gia, ủng hộ tiền cho các chương trình gây quỹ của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân. Tuy nhiên, số tiền mà Việt Tân thu được từ việc thường xuyên tổ chức các chương trình gây quỹ chỉ là một phần nhỏ gửi cho số đối tượng chống đối trong nước; số còn lại đều sử dụng không rõ mục đích. Đến nay, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã dần nhận rõ "bộ mặt thật"; mục đích hoạt động gây quỹ của Việt Tân nên những chương trình gây quỹ do Việt Tân tổ chức không thu hút nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài so với trước đây.